Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử xuyên biên giới, nên hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hình thức giao dịch này thường gặp nhiều vướng mắc.
Quy trình thủ tục hải quan tối ưu giúp mua hàng hóa nước ngoài ngày càng thuận tiện hơn
Thực tế cho thấy, sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của thương mại điện tử đang giúp việc mua hàng hóa ngày càng trở nên đơn giản và thuận tiện hơn, đặc biệt là mua hàng hóa nước ngoài. Trước đây, khi cần mua hàng hóa ngoại nhập, người tiêu dùng Việt Nam luôn phải chờ đợi đến khi có doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối lại, hoặc phải trực tiếp ra nước ngoài để tìm kiếm và đặt hàng.
Còn hiện nay, chỉ cần truy cập vào các trang thương mại điện tử lớn như Amazon, Ebay, Alibaba… thì bất kì ai cũng có thể tiếp cận với hàng tỷ sản phẩm từ vô số nhà cung cấp trên toàn thế giới. Các hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới rất đa dạng, người tiêu dùng có thể mua hàng toàn cầu thông qua trang web, ứng dụng, mạng xã hội, hoặc thông qua các ứng dụng mua hộ…
Việc đăng bán trực tiếp trên các trang thương mại điện tử quốc tế thông qua sự giám sát chất lượng của cơ quan quản lý, các trang thương mại điện tử uy tín là cách nhanh nhất để doanh nghiệp kết nối với khách hàng, tìm thị trường xuất khẩu và đối tác mới. Hình thức này vừa giúp giảm chi phí vận hành, vừa giúp phân phối sản phẩm đến người dùng cuối tại nhiều thị trường với chính thương hiệu của sản phẩm.
Theo thống kê tại Báo cáo Thương mại Điện tử Việt Nam của Bộ Công thương năm 2023, 35% người tiêu dùng mua hàng trên các website nước ngoài, 43% người tiêu dùng mua hàng của người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam; 3,9% sàn giao dịch thương mại điện tử có gian hàng của người bán nước ngoài, chiếm 4,7% tổng số gian hàng trên sàn; lượng đơn hàng thành công của người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử chiếm 7,8% tổng đơn hàng thành công trên sàn.
Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với việc tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), nội dung về thương mại điện tử cũng bắt đầu xuất hiện trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia, sẽ là động lực mới của nền kinh tế Việt Nam, góp phần kết nối trở lại chuỗi cung ứng xuyên biên giới đang bị đứt gãy do đại dịch, mở đường cho những sản phẩm vốn là thế mạnh của Việt Nam tiếp tục tiếp cận thị trường quốc tế.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Mặc dù thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, nhưng do chưa có các quy định riêng về chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử, nên hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử thường gặp khó khăn, vướng mắc, cản trở tính hiệu quả trong các giao dịch xuyên biên giới.
Cụ thể về các khó khăn, vướng mắc này, ông Nguyễn Bắc Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, đó là các khâu về thủ tục hải quan liên quan đến hồ sơ, trong công tác đánh giá rủi ro, áp lực thông quan hàng hóa. Kế đến là những khó khăn trong công tác kiểm tra chuyên ngành, trong việc xác định giá trị hải quan…
‘‘Chính từ những vướng mắc trên, nhận thấy sự cần thiết trong việc đổi mới chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại Quyết định số 431/QĐ-TTg ngày 27/3/2020. Tại quyết định phê duyệt đề án đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử. Hiện dự thảo đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ ký ban hành’’ - ông Hải nói.
Tổng hợp