I. Dự thảo Luật Thuế GTGT
CQ ban hành: Bộ Tài chính
Theo tờ trình dự án luật, Dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi (Dự thảo) gồm 4 chương, 16 điều, sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại 10 Điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) hiện hành. Theo đó, một số thay đổi đáng chú ý trong dự thảo như sau:
Về đối tượng không chịu thuế: sửa đổi quy định “hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống” thành “hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới mức do Chính phủ quy định” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Đề xuất chuyển một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sang đối tượng chịu thuế GTGT để phù hợp thông lệ quốc tế và tránh hiệu ứng tăng giá thành, giảm phức tạp cho các doanh nghiệp khi vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ chịu thuế, vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế.
Bổ sung một số nhóm hàng hóa, dịch vụ vào đối tượng không chịu thuế GTGT như: tài sản của tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế GTGT bán ra; hàng dự trữ quốc gia do cơ quan dự trữ quốc gia bán ra; các khoản thu phí, lệ phí theo pháp luật về phí và lệ phí; vận chuyển hành khách công cộng bằng tàu điện, phương tiện thủy nội địa…
Nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT: Dự thảo Luật bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. - Với giá tính thuế: bổ sung quy định việc xác định giá đất được trừ khi xác định giá tính thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, giá tính thuế đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh đặc thù.
Quy định về đối tượng áp dụng thuế suất 0%: bổ sung quy định về 3 nhóm hàng hóa không được áp dụng thuế suất 0%, cụ thể là thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu; xăng, dầu mua tại nội địa bán cho cơ sở kinh doanh trong khu phi thuế quan; xe ô tô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan.
Bổ sung quy định không được áp dụng thuế suất 0% đối với sản phẩm, dịch vụ cung cấp trên các nền tảng số.
Các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%: Dự thảo loại bỏ 3 nhóm hàng hóa, dịch vụ (thực phẩm tươi sống, lâm sản chưa qua chế biến; đường, phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn; hoạt động văn hóa, hoạt động triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim) và 2 loại hàng hóa (nhựa thông sơ chế; các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học).
Theo nghị trình, Dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 tới.
II. Thông tư Số 06/2024/TT-BCT quy định việc nhập khẩu mặt hàng gạo và thuốc lá khô có xuất cứ từ Vương quốc Campuchia theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 và năm 2024
CQ ban hành: Bộ Công Thương. Ngày ban hành: 04/04/2024
Ngày hiệu lực: 20/05/2024. Ngày hết hiệu lực: 31/12/2024
Ngày 04/4/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 06/2024/TT-BCT quy định việc nhập khẩu mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 và năm 2024. Trong thông tư quy định:
(1) Lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với gạo, lá thuốc lá khô từ Campuchia năm 2023, 2024
- Mã số hàng hoá và tổng lượng hạn ngạch thuế quan mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Vương quốc Campuchia được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 05/2024/NĐ-CP.
- Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2023 được áp dụng cho các tờ khai đăng ký với cơ quan hải quan từ ngày 02/06/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
- Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2024 được áp dụng cho các tờ khai đăng ký với cơ quan hải quan từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
(2) Áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với gạo, lá thuốc lá khô từ Campuchia năm 2023, 2024
Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định tại Nghị định 05/2024/NĐ-CP.
Đối với mặt hàng lá thuốc lá khô, thương nhân được Bộ Công Thương cấp Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP và Thông tư 12/2018/TT-BCT; số lượng nhập khẩu được trừ vào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu theo Giấy phép do Bộ Công Thương cấp.
III. Thông tư 25/2024/TT-BTC bãi bỏ thông tư số 83/2014/TT-BTC ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Bộ tưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế GTGT theo danh mục hàng hóa nhập khẩu Việt Nam
CQ ban hành: Bộ Tài chính
Ngày ban hành: 23/04/2024. Ngày hiệu lực: 08/06/2024
Theo đó, việc ban hành Thông tư 83/2014/TT-BTC nhằm chi tiết thuế suất thuế GTGT đã được quy định tại pháp luật về thuế GTGT theo mã HS để cơ quan Hải quan và người nộp thuế có thêm căn cứ xác định thuế suất thuế GTGT. Tuy nhiên, sau khi Thông tư 83/2014/TT-BTC được ban hành, pháp luật thuế GTGT đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần dẫn đến nhiều quy định của Thông tư 83/2014/TT-BTC không còn phù hợp. Trong quá trình thực hiện Thông tư 83/2014/TT-BTC đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập mà nguyên nhân chủ yếu là do sự khác biệt giữa căn cứ xác định thuế suất thuế GTGT theo pháp luật về thuế GTGT và Thông tư 83/2014/TT-BTC.
Vì vậy, Thông tư 25/2024/TT-BTC đã bãi bỏ toàn bộ Thông tư 83/2014/TT-BTC hướng dẫn thuế GTGT theo Danh mục hàng hóa nhập khẩu Việt Nam tạo thuận lợi cho cơ quan Hải quan và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Hiện nay, việc áp dụng mức thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu cũng như việc xác định hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT đã được quy định cụ thể tại Luật Thuế GTGT và các nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT.
IV. Công văn Số 1570/TCHQ-TXNK về thuế GTGT
CQ ban hành: Tổng cục Hải quan
Ngày ban hành: 12/04/2024
Trả lời cục Hải quan tỉnh Bình Dương về vấn đề thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hóa đã được miễn thuế nhập khẩu sau đó chuyển mục đích sử dụng, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
Căn cứ khoản 2 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT: Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế GTGT trên “giá nhập tại cửa khẩu” nhưng chưa nộp thuế GTGT trên “thuế nhập khẩu” do thuế nhập khẩu được miễn khi nhập khẩu, nay do thay đổi mục đích sử dụng phát sinh số “thuế nhập khẩu” thì phải nộp thuế GTGT trên số “thuế nhập khẩu” theo đúng quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
V. Công văn Số 2578/BTC-TCHQ về việc hoàn thuế nhập khẩu
CQ ban hành: Bộ Tài chính
Ngày ban hành: 14/03/2024
Trả lời một số vướng mắc về việc hoàn thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
1. Về việc áp dụng chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu
Căn cứ Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định miễn thuế đối với:
"... 6. Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công sản phẩm xuất khẩu; sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để gắn vào sản phẩm gia công; sản phẩm gia công xuất khẩu.
Sản phẩm gia công xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư trong nước có thuế xuất khẩu thì không được miễn thuế đối với phần trị giá nguyên liệu, vật tư trong nước tương ứng cấu thành trong sản phẩm xuất khẩu.
Hàng hóa xuất khẩu để gia công sau đó nhập khẩu được miễn thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu tính trên phần trị giá của nguyên vật liệu xuất khẩu cấu thành sản phẩm gia công...
7. Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu”
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 11 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định:
"Sản phẩm đặt gia công ở nước ngoài khi nhập khẩu trở lại Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu đối với phần trị giá của nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu cấu thành sản phẩm gia công và phải chịu thuế đối với phần trị giá còn lại của sản phẩm theo mức thuế suất thuế nhập khẩu của sản phẩm gia công nhập khẩu".
2. Về việc hoàn thuế nhập khẩu
- Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định hoàn thuế đối với trường hợp: “Người nộp thuế đã nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và đã xuất khẩu sản phẩm“.
- Căn cứ khoản 2 Điều 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định hàng hóa được hoàn thuế nhập khẩu bao gồm:
“a) Nguyên liệu, vật tư (bao gồm cả vật tư làm bao bì hoặc bao bì để đóng gói sản phẩm xuất khẩu), linh kiện, bán thành phẩm nhập khẩu trực tiếp cấu thành sản phẩm xuất khẩu hoặc tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu nhưng không trực tiếp chuyển hóa thành hàng hóa;
b) Sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để gắn, lắp ráp vào sản phẩm xuất khẩu hoặc đóng chung thành mặt hàng đồng bộ với sản phẩm xuất khẩu;
c) Linh kiện, phụ tùng nhập khẩu để bảo hành cho sản phẩm xuất khẩu”.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp nội địa nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất sau đó đưa nguyên liệu này đi gia công tại doanh nghiệp chế xuất (DNCX) và nhận lại bán thành phẩm để tiếp tục sản xuất xuất khẩu phải nộp thuế nhập khẩu theo quy định.
Sản phẩm hoặc bán thành phẩm được gia công tại DNCX khi nhập khẩu trở lại Việt Nam để tiếp tục sản xuất sản phẩm xuất khẩu không thuộc đối tượng hoàn thuế quy định tại điểm d Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 và Điều 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP
Như vậy, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 và các văn bản hướng dẫn không quy định hoàn thuế nhập khẩu đối với trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế nhập khẩu trên phần trị giá tăng thêm khi nhập khẩu sản phẩm thuê gia công tại khu phi thuế quan và sau đó tiếp tục sản xuất và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
VI. Công văn Số 245/TTg-KTTH về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan
CQ ban hành: Thủ tướng Chính phủ
Ngày ban hành: 17/04/2024
Nhằm đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan thực hiện một số nội dung, bao gồm:
Rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin theo hướng số hóa chứng từ thuộc hồ sơ hải quan tiến tới phi giấy tờ trong thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, dần tiến đến chấm dứt việc yêu cầu người khai hải quan phải nộp chứng từ giấy thuộc bộ hồ sơ hải quan khi làm thủ tục hải quan. ……
Như vậy, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực Hải quan sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
VII. Công văn Số 1336/TCT-TTKT về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua hàng hóa bằng hình thức bảng kê
CQ ban hành: Tổng cục thuế
Ngày ban hành: 02/04/2024
Tại điểm 2.2 Mục II Kết luận Thanh tra số 966/KL-TTCP ngày 20/9/2022 của Thanh tra Chính phủ tại Công ty thuốc lá Sài Gòn (trang 13 Kết luận thanh tra) có nội dung:
“Trong thời gian từ 2013 - 2017, Công ty Thuốc lá Bến Tre, Công ty Cp Hòa Việt, Công ty Thuốc lá An Giang, Công ty Thuốc lá Đồng Tháp, Công ty Thuốc lá Cửu Long là các công ty thành viên thuộc Công ty Thuốc lá Sài Gòn có một số hợp đồng mua nguyên liệu thuốc lá của Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Tuấn Dung (thôn Bình Lợi, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh).
Hồ sơ DNTN Tuấn Dung cung cấp thể hiện một số nguyên liệu thuốc lá mua trực tiếp của các người trồng cây thuốc lá trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (thực hiện lập Bảng kê hàng hóa mua vào không có hóa đơn)
Kết quả xác minh việc mua nguyên liệu thuốc lá của DNTN Tuấn Dung cho thấy, nhiều người có tên trong Bảng kê thu mua nguyên liệu thuốc lá của người trồng nhưng thực tế họ không trồng, bán nguyên liệu thuốc lá cho DNTN Tuấn Dung.”
Kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại điểm 1 Mục IV (trang 34 Kết luận thanh tra) như sau: “Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế kiểm tra việc kê khai và nộp thuế đối với các trường hợp thu mua nguyên liệu thuốc lá của các hộ nông dân được thực hiện bằng hình thức Bảng kê để xác định giá tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phù hợp; xác định lại thuế TNDN đối với DNTN Tuấn Dung do Bảng kê mua nguyên liệu thuốc lá không phù hợp.”
Căn cứ kết quả thanh tra, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế:
- Cục Thuế tỉnh Tây Ninh kiểm tra việc kê khai của doanh nghiệp tư nhân Tuấn Dung.
- Các Cục Thuế trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế tăng cường xác minh các trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ bằng hình thức Bảng kê để xác định tính hợp lý, hợp pháp... làm căn cứ xác định chi phí được trừ khi tính thuế TNDN hợp lý, đúng quy định, tránh thất thu Ngân sách nhà nước. Lưu ý đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm như DNTN Tuấn Dung.
Trường hợp qua công tác thanh tra, kiểm tra, xác minh nếu phát hiện các doanh nghiệp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định; nếu có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
VIII. Công văn Số 1357/TCT-DNNCN về việc rà soát công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
CQ ban hành: Tổng cục thuế
Ngày ban hành: 02/04/2024
Nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh (HKD), cá nhân kinh doanh (CNKD), Tổng cục Thuế yêu cầu đồng chí Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lưu ý các nội dung sau:
(1) Về công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế
Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thuế đối với HKD, CNKD.
(2) Về công tác quản lý hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
Tổ chức rà soát toàn bộ hồ sơ quản lý thuế đối với HKD, CNKTD trên địa bàn quản lý; đối chiếu, rà soát trên địa bàn quản lý để nắm tình hình biến động về hoạt động kinh doanh của HKD, CNKD và kịp thời đưa vào quản lý theo quy định;
Đối chiếu với các nguồn thông tin của các cơ quan nhà nước có liên quan;
Cung cấp cho cơ quan đăng ký kinh doanh thông tin các HKD, CNKD có đăng ký kinh doanh nhưng không còn kinh doanh tại địa chỉ đăng ký kinh doanh để cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện việc quản lý theo quy định;
Thực hiện công khai thông tin về HKD, CNKD nộp thuế khoán theo quy định, đồng thời công khai trên chức năng Bản đồ số hộ kinh doanh;
(3) Về công tác kiểm tra, giám sát
Tổ chức rà soát, khảo sát về doanh thu, mức thuế khoán thường xuyên, đối chiếu cơ sở dữ liệu riêng, cơ sở dữ liệu hóa đơn đầu vào của hộ khoán và tình hình kinh doanh thực tế tại địa bàn;
Chỉ đạo các Chi cục Thuế thực hiện kiểm tra định kỳ, theo kế hoạch tại trụ sở cơ quan thuế trên cơ sở dữ liệu đối với HKD, CNKD và tổ chức có liên quan. Đối với những trường hợp rủi ro cao, có dấu hiệu vi phạm thì thực hiện việc kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và quản lý thuế.
(4) Về công tác tham mưu với chính quyền địa phương
Tham mưu UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan nhà nước liên quan (Đăng ký kinh doanh, Thống kê, Tài chính, Ngân hàng, Công thương, Quản lý thị trường, Công an, Thông tin truyền thông,...) phối hợp với cơ quan thuế thường xuyên đối chiếu, rà soát tại địa bàn để nắm tình hình biến động về hoạt động kinh doanh của HKD, CNKD phục vụ công tác quản lý thuế theo quy định.
Tải bản PDF tại đây!
Comentarios