top of page

Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) là gì?

Tại nhiều quốc gia, thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) được xem là một giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu rủi ro về giá chuyển nhượng cho nhiều đối tượng nộp thuế bằng cách đảm bảo lợi nhuận tương lai được cơ quan thuế chấp nhận ở mức hợp lý, đồng thời cho phép các tập đoàn đa quốc gia có thể hoạch định chiến lược thuế cho cả tập đoàn. Cơ chế APA cũng tạo thuận lợi cho cơ quan thuế trong công tác quản lý các giao dịch liên kết một cách hiệu quả. Trong bài viết này, RSM Việt Nam sẽ phân tích về APA cũng như những điểm đáng chú ý được đề cập tại Thông tư số 45/2021/TT-BTC.


Nội dung chính:

tu-van-xac-dinh-gia-tinh-thue-APA

1. Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (Advance Pricing Agreement) là gì?

Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (Advance Pricing Agreement) là thỏa thuận giữa cơ quan thuế và người nộp thuế về việc áp dụng chính sách thuế trong tương lai. Người nộp thuế tự xác định căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế, tỷ suất lợi nhuận… làm cơ sở xác định trị giá tính thuế liên quan đến giao dịch liên kết thuộc diện áp dụng APA.


Tại Việt Nam, APA vẫn được xem là một cơ chế thuế mới. Thông tư 201/2013/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 20/12/2013 là văn bản hướng dẫn đầu tiên về việc áp dụng APA. Tuy nhiên, sau gần 8 năm áp dụng, số lượng hồ sơ APA được soạn lập và nộp khá hạn chế. Chỉ một số ít hồ sơ APA đang được xem xét, số hồ sơ APA còn lại thì cũng chưa có những tiến độ rõ rệt đáng kể tính tới thời điểm hiện tại. Việc thực hiện đàm phán APA còn phức tạp, tốn nhiều thời gian đối với người nộp thuế để chuẩn bị các hồ sơ liên quan trình lên cơ quan thuế.


Trong bối cảnh đó, ngày 18/6/2021, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư 45/2021/TT-BTC nêu lên các quy định mới về cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế ở Việt Nam. Thông tư 45 có hiệu lực kể từ ngày 3 tháng 8, và thay thế Thông tư 201 về APA được ban hành năm 2013. Một số thay đổi theo Thông tư 45 được xem là phù hợp với thực tiễn nguồn lực cơ quan thuế và người nộp thuế tại Việt Nam.


tu-van-xac-dinh-gia-tinh-thue-APA
Doanh nghiệp cần chú ý một số điểm được đề cập tại Thông tư số 45/2021/TT-BTC

2. Một số điểm đáng chú ý được đề cập tại Thông tư số 45/2021/TT-BTC


Giao dịch được đề nghị áp dụng APA

Giao dịch được đề nghị áp dụng APA là các giao dịch liên kết được quy định tại Khoản 2, Điều 1, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP. Giao dịch được đề nghị áp dụng APA phải thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:

  • Giao dịch thực tế đã phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế và sẽ tiếp tục diễn ra trong giai đoạn đề nghị áp dụng APA; và

  • Giao dịch có cơ sở để xác định được bản chất giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế và có cơ sở để phân tích, so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập; và

  • Giao dịch không thuộc trường hợp có tranh chấp, khiếu nại về thuế; và

  • Giao dịch được thực hiện minh bạch, không nhằm mục đích trốn, tránh thuế hoặc lợi dụng Hiệp định thuế.

Nguyên tắc áp dụng APA

  • Đề nghị áp dụng APA của người nộp thuế được giải quyết trên cơ sở hồ sơ với các tài liệu, thông tin cần thiết theo quy định tại Khoản 3, Điều 41, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP do người nộp thuế cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực, kịp thời.

  • Việc phân tích, so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập và phương pháp được sử dụng để so sánh, xác định giá của giao dịch liên kết thuộc phạm vi áp dụng của APA được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.

  • Việc áp dụng cơ chế APA phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc được quy định tại Khoản 6, Điều 42, Luật Quản lý thuế.

Quy trình áp dụng APA

  • Giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính vì giai đoạn tham vấn không còn là giai đoạn bắt buộc.

  • Quy trình áp dụng APA vẫn tiếp tục yêu cầu các giai đoạn bắt buộc bao gồm nộp hồ sơ chính thức, thẩm định, đàm phán, ký kết và thực hiện APA.

  • Mốc thời gian cho từng giai đoạn bắt buộc trên không được quy định cụ thể.

Hồ sơ và thông tin, dữ liệu sử dụng

  • Hồ sơ đề nghị áp dụng APA thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 41, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

  • Hồ sơ đề nghị áp dụng APA được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt; trường hợp hồ sơ đề nghị áp dụng APA song phương và đa phương thì có thêm bản tiếng Anh. Người nộp thuế đóng dấu xác nhận và chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch.

  • Các thông tin, dữ liệu, cơ sở dữ liệu được sử dụng phải đảm bảo tuân thủ quy định tại Điểm b, Khoản 6, Điều 42, Luật Quản lý thuế và Điều 17, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.

Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người nộp thuế


Quyền của người nộp thuế:

  • Người nộp thuế có quyền đề nghị với Tổng cục Thuế về việc rút đơn hoặc dừng đàm phán tại bất cứ thời điểm nào trước khi APA được ký kết.

  • Người nộp thuế có quyền mời hoặc thuê chuyên gia độc lập là người có kỹ năng, kiến thức phù hợp với nội dung APA để tham gia trao đổi, đàm phán APA.

  • Trường hợp trong khi thực hiện APA đơn phương nếu có phát sinh việc đánh thuế trùng hoặc có sự điều chỉnh về thu nhập chịu thuế dẫn đến bất lợi cho người nộp thuế xuất phát từ quyết định của cơ quan Thuế đối tác, người nộp thuế có quyền đề nghị Tổng cục Thuế về việc sửa đổi hoặc hủy bỏ APA theo quy định tại Khoản 9 và Khoản 10, Điều 41, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

Nghĩa vụ và trách nhiệm của người nộp thuế:

  • Người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời, trung thực, chính xác các thông tin, dữ liệu cho cơ quan Thuế trong quá trình tham vấn (nếu có), nộp hồ sơ chính thức, thẩm định, đàm phán, ký kết, thực hiện APA cũng như trong quá trình giải quyết đề nghị gia hạn, sửa đổi APA theo quy định tại Điều 97, Luật Quản lý thuế.

  • Người nộp thuế có trách nhiệm lập và nộp các báo cáo APA thường niên cho từng năm tính thuế và báo cáo đột xuất (nếu có) trong giai đoạn hiệu lực của APA đã ký kết theo quy định tại Khoản 7, Điều 41, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

Quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan thuế


Quyền hạn của cơ quan Thuế:

Cơ quan Thuế có quyền dừng đàm phán khi phát sinh ít nhất một trong các trường hợp sau:

  • Việc tiếp tục đàm phán APA không đáp ứng được các nguyên tắc áp dụng APA quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Điều 5, Thông tư này;

  • Các bên liên quan không thống nhất được nội dung APA khi giai đoạn được đề nghị áp dụng APA kết thúc;

  • Người nộp thuế hoặc cơ quan Thuế đối tác đề nghị dừng đàm phán APA.

Trách nhiệm của cơ quan Thuế:

  • Cơ quan Thuế có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện APA đã ký kết của người nộp thuế theo quy định tại Khoản 9, Điều 20, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Hiệu lực APA

Thời gian có hiệu lực của APA đã ký kết tối đa là 03 năm tính thuế nhưng không vượt quá số năm thực tế người nộp thuế đã hoạt động sản xuất kinh doanh và kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam.


Quy định chuyển tiếp

Đối với đề nghị áp dụng APA nộp trước ngày Thông tư 45 có hiệu lực nhưng chưa được ký kết và giai đoạn đề nghị áp dụng APA chưa kết thúc tính đến thời điểm Thông tư 45 có hiệu lực thì được tiếp tục giải quyết theo quy định tại Thông tư này


3. RSM Việt Nam có thể giúp gì cho doanh nghiệp?

Theo kinh nghiệm của RSM Việt Nam, trong quá trình nộp hồ sơ APA, những lập luận thuyết phục là một trong những yếu tố then chốt để hỗ trợ việc nộp APA cho cơ quan thuế tại Việt Nam. Với kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực giá chuyển nhượng cũng như APA, chúng tôi có thể giúp khách hàng làm việc với cơ quan có thẩm quyền để có được cuộc đàm phán về APA thành công.

Quá trình thực hiện các thủ tục về thuế liên quan đến hồ sơ chuyển giá hoặc các giao dịch liên kết theo cơ chế APA sẽ phát sinh nhiều vấn đề gây khó hiểu cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đang cân nhắc nộp hồ sơ APA hoặc muốn tìm hiểu thêm về quy trình này, vui lòng liên hệ với đội ngũ chuyên gia của RSM ngay hôm nay.



CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN:






557 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN TỪ RSM VIỆT NAM

Bạn mong muốn nhận được tư vấn của đội ngũ chuyên gia RSM Việt Nam, vui lòng gửi câu hỏi tại đây

Gửi thông tin đăng ký thành công. RSM sẽ liên hệ tư vấn cho bạn!

bottom of page