top of page

Ngành Thuế xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra theo chuyên đề chống thất thu thuế thương mại điện tử

Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam trong khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây đã trở thành một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, với doanh thu liên tục tăng và có tính ổn định. Việc quản lý về thuế với ngành TMĐT có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm nguồn thu, hạn chế việc trốn thuế.


1. Thông tin cơ bản về ngành Thương mại điện tử

Định nghĩa về Thương mại điện tử

Khoản 16 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP (được bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP) định nghĩa về dịch vụ thương mại điện tử như sau:

"Dịch vụ thương mại điện tử là hoạt động thương mại điện tử theo đó thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thiết lập website thương mại điện tử để cung cấp môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ.

Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử không bao gồm các thương nhân, tổ chức chỉ thực hiện cung cấp dịch vụ thiết kế website và không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh, điều hành hoặc điều phối các hoạt động trên website đó.”


Ngành Thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển vô cùng mạnh mẽ, mang lại nhiều giá trị tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội
Ngành Thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển vô cùng mạnh mẽ, mang lại nhiều giá trị tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội

Nghĩa vụ thuế trong hoạt động thương mại điện tử

Về nghĩa vụ thuế đối với tổ chức trong nước có hoạt động thương mại điện tử. Tổ chức trong nước có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phải nộp các loại thuế, phí sau: Lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo lộ trình của cơ quan thuế.

Trong thời gian chưa thực hiện được việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn theo yêu cầu của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật.

Nghĩa vụ thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân trong nước có hoạt động thương mại điện tử như: Bán hàng qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok, Fanpage, Zalo Official Account; cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử; cá nhân chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam “.vn”; cho thuê nhà qua ứng dụng Agoda, Booking.com, Airbnb...


Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng trở lên thì thuộc trường hợp phải nộp thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và lệ phí môn bài. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.


Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh liên hệ chi cục thuế nơi đặt địa điểm kinh doanh để nộp hồ sơ đăng ký thuế đối với cá nhân kinh doanh theo hướng dẫn tại khoản 8 Điều 7 Thông tư số 105/2020/TT-BTC.


Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp, hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.


Đối với người nộp thuế là nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam thực hiện nộp hồ sơ đăng ký thuế lần đầu đến cơ quan thuế theo quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế.


Tổ chức, cá nhân khấu trừ nộp thay cho nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài nộp hồ sơ đăng ký thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Hồ sơ đăng ký thuế theo quy định tại khoản 6 Điều 7 Thông tư số 105/2020/TT-BTC.


Nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài là tổ chức kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT, thuế TNDN theo phương pháp kê khai, hoặc theo phương pháp trực tiếp hoặc theo phương pháp hỗn hợp theo quy định của Thông tư số 103/2014/TT-BTC.


Tổ chức tại Việt Nam là đối tác của nhà cung cấp nền tảng số ở nước ngoài (không có cơ sở thường trú tại Việt Nam) thực hiện chi trả thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số cho cá nhân theo thoả thuận với nhà cung cấp nền tảng số ở nước ngoài thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay theo quy định tại Điều 8, Điều 16 Thông tư số 40/2021/TT-BTC./.


Căn cứ tính thuế TNCN và thuế giá trị gia tăng đối với cá nhân, hộ kinh doanh sử dụng dịch vụ thương mại điện tử

Căn cứ Điều 10 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định như sau:

Căn cứ tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.

1. Doanh thu tính thuế

Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN); doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

2. Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu

a) Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN áp dụng chi tiết đối với từng lĩnh vực, ngành nghề theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề hoặc xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

3. Xác định số thuế phải nộp

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT

Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN

Trong đó:

- Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này.

- Tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm Thông tư này."


Theo đó, đối với cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh qua website, sàn giao dịch thương mại điện tử khi được nhận các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền thì các khoản này được xác định là thu nhập từ kinh doanh và phải nộp thuế TNCN, thuế giá trị gia tăng.


Theo Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 40/2021/TT-BTC thì Khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền cho hộ khoán chịu thuế GTGT là 1%, thuế TNCN là 0,5%.


Đối với khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền cho hộ khoán gắn với mua hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, không phải khai thuế GTGT, thuộc diện chịu thuế GTGT 0% theo pháp luật về thuế GTGT thì không chịu thuế GTGT, chỉ chịu thuế TNCN 0,5%.

Đến ngày 17/7/2023, mới chỉ có 334 sàn TMĐT cung cấp thông tin thuế cho Cơ quan Thuế
Đến ngày 17/7/2023, mới chỉ có 334 sàn TMĐT cung cấp thông tin thuế cho Cơ quan Thuế

Nhằm nâng cao quản lý hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), Tổng cục Thuế đã đề xuất và trình Bộ Tài chính, sau đó trình Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2022/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP về trách nhiệm cung cấp thông tin của các sàn giao dịch TMĐT cho cơ quan thuế. Việc này sẽ được thực hiện định kỳ hàng quý thông qua việc truyền thông điện tử qua Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.


Song song với việc trên, Tổng cục Thuế cũng đã xây dựng và chính thức đi vào hoạt động Cổng Thông tin TMĐT kể từ ngày 15/12/2022. Qua Cổng Thông tin TMĐT, nhiều sàn TMĐT lớn như Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki... đã chia sẻ thông tin trên nền tảng này, bao gồm thông tin định danh như tên, mã số thuế/đăng ký kinh doanh/căn cước công dân, thông tin liên hệ như email và số điện thoại, địa chỉ kinh doanh và địa chỉ thường trú, cũng như nhóm ngành hàng dịch vụ kinh doanh và thông tin tài khoản ngân hàng.


3. Tăng cường thanh kiểm tra chống thất thu thuế trong ngành Thương mại điển tử

Hiện tại, để nâng cao chất lượng thanh kiểm tra, chống thất thu thuế trong ngành Thương mại điện tử, Bộ Tài chính và Tổng cục thuế đã liên tục đưa ra triển khai đồng bộ các giải pháp từ hoàn thiện hành lang pháp lý, cho đến đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao vào công tác quản lý. Cho tới nay, công tác này đã đạt được một số hiệu quả như sau:


- Huy động được số lượng nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài tham gia đóng thuế đầy đủ: Sau hơn 6 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN từ ngày 21/3/2022, đến nay đã có 36 NCCNN đăng ký, kê khai và nộp thuế qua cổng. Trong đó có 6 NCCNN lớn: Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam, với tổng số thuế đã nộp hàng chục triệu USD, EUR, tương đương hàng trăm tỷ đồng. Riêng Meta đã nộp 16,8 triệu Euro, Tiktok đã nộp 81,7 tỷ VND..


Huy động được số lượng nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài tham gia đóng thuế đầy đủ
Huy động được số lượng nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài tham gia đóng thuế đầy đủ

- Sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng: Nhờ sự chỉ đạo toàn diện của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước…, trên cơ sở Đề án quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT được Bộ Tài chính phê duyệt, Tổng cục Thuế đã ký kết thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Công thương để phối hợp cung cấp thông tin về website, ứng dụng TMĐT.


Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng với các cơ quan thuộc Bộ này, nhằm cùng nhau thu thập, chuyển tiếp và liên kết thông tin liên quan đến doanh nghiệp tiến hành quảng cáo vượt biên giới. Thỏa thuận bao gồm việc thu thập danh sách cá nhân có thu nhập từ hoạt động quảng cáo trên sản phẩm và dịch vụ nội dung số, cũng như thông tin về doanh nghiệp trong nước thực hiện dịch vụ viễn thông và tận dụng tài nguyên số.


Cùng lúc, hợp tác với Bộ Công an đã được triển khai để xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu hỗ trợ công tác quản lý thuế. Ngoài ra, sự cộng tác với Cục An ninh mạng thuộc Bộ Công an cũng được thực hiện để trao đổi thông tin về cá nhân có thu nhập từ hoạt động quảng cáo trên nền tảng chia sẻ video vượt biên giới, cũng như những cá nhân tham gia hoạt động mua bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ trên các trang web TMĐT và mạng xã hội, nhằm hỗ trợ công tác quản lý.


Bên cạnh những tiến bộ và phát triển của công tác truy thu thuế Thương mại điện tử, vẫn còn rất nhiều điểm tồn tại và hạn chế trong toàn bộ các bước xử lý:


- Chưa có hành lang pháp lý cụ thể: Hiện nay, phần lớn các nước lớn đã áp dụng các xu hướng và phương pháp truy thu thuế Thương mại điện tử. Tính mới và phức tạp của ngành này cũng đòi hỏi những dự thảo luật được nghiên cứu sâu sắc hơn, phù hợp hơn đối với tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhu cầu giao dịch điện tử đã bùng phát mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh tế và xã hội, môi trường và phương thức giao dịch cũng có nhiều thay đổi với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng số làm trung gian cho các giao dịch điện tử trực tuyến, đòi hỏi phải có khung pháp lý phù hợp đáp ứng nhu cầu thực tế, đảm bảo thể chế pháp luật phải theo kịp sự phát triển.


Nhiều nhà cung cấp nước ngoài đã thực hiện kê khai và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử
Nhiều nhà cung cấp nước ngoài đã thực hiện kê khai và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử

- Vấn đề thực tiễn: Hiện nay, nhiều công ty lớn trên thế giới trong hoạt động kinh tế kỹ thuật số vẫn có được nguồn thu khổng lồ từ người tiêu dùng ở một quốc gia khác, dù không cần hiện diện vật lý trực tiếp tại một quốc gia đó. Trong quá trình phát triển, Việt Nam cần tìm ra một cơ chế đánh thuế thu nhập phù hợp. Song để làm sao đánh được thuế thu nhập phù hợp đang là những thách thức không nhỏ dành cho cơ quan thuế của Việt Nam nói riêng và cơ quan thuế các nước nói chung. Trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh TMĐT và kinh doanh trên nền tảng số ngày càng trở nên phức tạp và tinh vi, dẫn đến việc kiểm soát các giao dịch và các nghĩa vụ thuế phát sinh càng trở nên khó khăn hơn trước, cách tiếp cận truyền thống theo cơ sở thường trú trở nên không còn phù hợp nữa. Các chính sách thuế quốc tế đã có những xu hướng thay đổi lớn để phù hợp hơn với sự phát triển này.


Xây dựng kho dữ liệu có kết nối với các bộ, ngành để chống thất thu


Mặc dù kết quả đạt được là khá tích cực, song công tác quản lý hoạt động kinh doanh này còn gặp nhiều khó khăn thách thức. Báo cáo tại kỳ họp Quốc hội tháng 6/2022 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, với đặc trưng nền kinh tế số, thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh, việc quản lý, thu thuế gặp nhiều thách thức. Việc thu thuế trên sàn TMĐT, các nền tảng số như Zalo, hay thanh toán nhận hàng trả bằng tiền mặt (COD)... là vấn đề mới, khó và hiện còn thất thu thuế do các máy chủ đặt ở nước ngoài.


Mặt khác, những người tham gia kinh doanh trên các nền tảng số, sàn TMĐT gồm cả trong và ngoài nước, nên việc truy địa chỉ để thu thuế là không dễ. Để chống thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, đã chỉ đạo Tổng cục Thuế tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các bộ, ngành chức năng liên quan, xây dựng kho cơ sở dữ liệu đồng bộ, kết nối và chia sẻ thông tin, phục vụ công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý thuế nói riêng.


Về phía ngành Thuế, Tổng cục Thuế đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, đối chiếu thông tin theo chuyên đề quản lý thuế hoạt động TMĐT đối với một số doanh nghiệp trong nước và một số NCCNN không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam. Qua đó, đã hướng dẫn đơn vị kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật và kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số vấn đề chính sách liên quan đến quản lý hoạt động TMĐT.


Bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, cơ bản người nộp thuế là cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT đã có ý thức tự giác kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật. Một số sàn giao dịch TMĐT đã có sự phối hợp tốt trong việc triển khai cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý thuế.


Tổng hợp

7 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN TỪ RSM VIỆT NAM

Bạn mong muốn nhận được tư vấn của đội ngũ chuyên gia RSM Việt Nam, vui lòng gửi câu hỏi tại đây

Gửi thông tin đăng ký thành công. RSM sẽ liên hệ tư vấn cho bạn!

bottom of page