top of page

Bản Tin Hàng Kỳ Tháng 8 Năm 2022


1. Nghị định 51/2022/NĐ-CP về việc sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính Phủ

CQ ban hành: Chính Phủ, Ngày hiệu lực: 8/8/2022


Trước đây, theo Phụ lục II – Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ, mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 là 20%.


Ngày 8/8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 51/2022/ NĐ-CP (“Nghị định 51”) sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10, giảm xuống còn 10% so với quy định trước đây.


Danh sách các mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 được giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi còn 10% được chi tiết tại Phụ lục đính kèm theo Nghị định 51.

2.Nghị định 49/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 209/2013/NĐ-CP hướng dẫn luật thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi, bổ sung theo nghị định số 12/2015/NĐ-CP, nghị định số 100/2016/NĐ-CP và nghị định số 146/2017/NĐ-CP

CQ ban hành: Chính Phủ, ngày hiệu lực: 12/9/2022


Theo Khoản 3, Điều 1 Nghị định 49/2022/NĐ-CP, bổ sung trường hợp dự án đầu tư (“DAĐT”) của cơ sở kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc các trường hợp sau thì được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với DAĐT:

  • DAĐT trong giai đoạn đầu tư, theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo một trong các hình thức: Giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận.

  • DAĐT trong giai đoạn đầu tư, theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành chưa phải đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo một trong các hình thức: Giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận.

  • DAĐT theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành không phải có giấy kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo một trong các hình thức: Giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận.


3. Công văn 2216/BHXH-CSXH ngày 12/8/2022 về việc tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ theo nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội

CQ ban hành: Bảo hiểm Việt Nam, ngày hiệu lực: 12/8/2022


Công văn 2216/BHXH-CSXH hướng:

· Đối tượng sau đã nộp hồ sơ đúng thời hạn quy định và đã được BHXH tỉnh/thành phố tổng hợp, báo cáo BHXH Việt Nam được điếp tục hỗ trợ:


- Người lao động (“NLĐ”) đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm NLĐ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và ĐVSN công lập do NSNN bảo đảm chi thường xuyên);

- NLĐ đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/9/2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.


Thời gian thực hiện: Thời gian tiếp tục chi trả hỗ trợ cho người lao động đã nộp hồ sơ đúng thời hạn hoàn thành chậm nhất vào ngày 10/9/2022.


4. Công văn 40217/CTHN-TTHT về việc xử lý hóa đơn sai sót

CQ ban hành: Cục Thuế Thành phố Hà Nội, ngày hiệu lực: 16/08/2022


Nhằm giải đáp một số vướng mắc liên quan đến xử lý hóa đơn điện tử trong trường hợp có sai sót, ngày 16/8/2022 Cục Thuế Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn 40217/CTHN-TTHT với hướng dẫn như sau


Trường hợp Công ty sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, có thực hiện lập hóa đơn điện tử, đã gửi cho người mua, sau đó phát hiện có sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn (đơn giá hàng hóa, dịch vụ) và lựa chọn lập hóa đơn điện tử điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót; hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... ngày... tháng... năm” theo hướng dẫn tại điểm b1 Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì không phải gửi Mẫu số 04/SS-HĐĐT tại Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP đến cơ quan thuế.


5. Công văn 39060/CTHN-TTHT về việc lập hóa đơn điện tử theo nghị định 123/2020/NĐ-CP

CQ ban hành: Cục Thuế Thành phố Hà Nội, ngày hiệu lực: 09/08/2022


Ngày 09/08/2022, Cục Thuế TP Hà Nội ban hành Công văn 39060/CTHN-TTHT về việc lập hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP đối với hàng hóa chuyển khẩu. Theo đó, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

  • Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, Công ty phải lập hóa đơn để giao cho người mua theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Hàng hóa chuyển khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Khoản 20 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.

  • Trường hợp Công ty kinh doanh hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, trên hóa đơn GTGT tại chỉ tiêu “thuế suất” Công ty thể hiện là KCT theo hướng dẫn tại Quyết định số 1450/QĐ-TCT ngày 7/10/2021 của Tổng cục Thuế.

  • Trường hợp Công ty cung cấp hàng hóa có nhiều chủng loại khác nhau thì tên hàng hóa thể hiện chi tiết đến từng chủng loại theo hướng dẫn tại Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

  • Thời điểm lập hóa đơn điện tử được xác định theo quy định tại Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.


6. Công văn 3466/TCHQ-TXNK về việc hoàn thuế hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu

CQ ban hành: Tổng cục Hải quan, ngày hiệu lực: 19/08/2022


Để giải đáp các vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp về việc cơ quan hải quan chậm xử lý hoàn thuế đối với các trường hợp hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu, Tổng cục hải quan có ý kiến như sau:


- Đối tượng hoàn thuế nhập khẩu đã nộp: Người nhập khẩu tại chỗ đã nộp thuế nhập khẩu hàng hóa để sản xuất, kinh doanh, đã đưa sản phẩm nhập khẩu tại chỗ vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và thực tế đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài hoặc vào khu phi thuế quan.

- Hồ sơ, thủ tục hoàn thuế nhập khẩu: Thực hiện theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016, Điều 12 Thông tư số 06/2021/TT-BTC ngày 22/01/2021 của Bộ Tài chính

- Về thời hạn: Hồ sơ hoàn thuế được phân loại thành hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế và hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước (theo Điều 73 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Điều 22 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP)

  • Đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế chậm nhất là 06 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan hải quan có thông báo về việc chấp nhận hồ sơ và thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế

  • Đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế, chậm nhất là 40 ngày kể từ ngày cơ quan hải quan có thông báo bằng văn bản về việc chấp nhận hồ sơ và thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế

7. Công văn số 8042/BTC-TCHQ về việc sử dụng hóa đơn đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ

CQ ban hành: Tổng cục Hải quan, ngày hiệu lực: 12/08/2022


Triển khai thực hiện Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ, Bộ Tài chính hướng dẫn nộp hóa đơn khi làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ, nhập khẩu tại chỗ đối với trường hợp doanh nghiệp nội địa kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán hàng cho doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan (kể cả cơ sở gia công hàng hóa xuất khẩu) như sau:

  • Khi làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ: Người khai hải quan thực hiện thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 58 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 và nộp Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ (bản chụp) thay hóa đơn GTGT.

  • Khi làm thủ tục nhập khẩu tại chỗ: Người khai hải quan thực hiện thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 58 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 và nộp hồ sơ hải quan kèm hóa đơn GTGT (bản chụp) cho cơ quan hải quan.

8. Công văn số 3159/TCHQ-TXNK về việc chấn chỉnh phân loại hàng hóa

CQ ban hành: Tổng cục Hải quan, ngày hiệu lực: 01/08/2022


Qua rà soát tình trạng khai báo đối với mặt hàng vải không dệt kết hợp với plastic, thường là mặt hàng “vải giả da” được tạo thành từ vải không dệt thấm tẩm và tráng phủ plastic, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, chưa đủ cơ sở để áp mã hàng hóa và còn tình trạng phân loại không chính xác tại đối với mặt hàng trên, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:


· Việc khai báo tại địa phương:

- Khai báo tên hàng không đầy đủ: không nêu rõ thành phần, định lượng vải và plastic, không nêu cách thức gia công, kết hợp của các vật liệu tạo thành sản phẩm, công dụng hàng hóa,... không đủ cơ sở xác định mã số cụ thể

- Khai báo tên hàng không phù hợp với mã số khai báo


· Về phân loại hàng hóa

- Việc phân loại mặt hàng “vải giả da” được tạo thành từ vải không dệt và plastic phải căn cứ vào thành phần vải không dệt/ plastic, tỷ trọng vải không dệt/ plastic, phương thức kết hợp của các thành phần, vai trò sử dụng (lớp bề mặt/ lớp gia cố) của các thành phần vải không dệt/ plastic, lớp plastic tráng phủ có nhìn được bằng mắt thường hay không, công dụng hàng hóa ..., đối chiếu với các quy định tại Chú giải pháp lý gồm: Chú giải 1 (h) Phần XI, Chú giải 3 Chương 56, Tham khảo các Chú giải chi tiết HS Chương 39, chú giải chi tiết nhóm 56.03, áp dụng các quy tắc phân loại để xác định mã số hàng hóa

- Cần lưu ý một số trường hợp:

Vải không dệt, được bọc hoàn toàn bằng plastic hoặc tráng hoặc phủ cả hai mặt bằng plastic, tấm, phiến và dải bằng plastic xốp kết hợp vải không dệt, trong đó vật liệu vải không dệt chỉ đơn thuần là vật liệu để gia cố thì phân loại vào chương 39

Mặt hàng “vải giả da” được tạo thành từ vải không dệt thấm tẩm, tráng, phủ hoặc ép plastic một mặt, chưa được mô tả cụ thể trong nội dung nhóm và các chú giải pháp lý, chú giải chi tiết liên quan, cần xem xét thành phần nào mang lại đặc trưng cơ bản cho sản phẩm thì sẽ phân loại theo thành phần đó theo quy tắc 3b

- Trường hợp không thể xác định được thành phần mang lại đặc trưng cơ bản cho sản phẩm thì phân loại theo quy tắc 3c.


Qua đó, các doanh nghiệp cần chú ý thực hiện và theo dõi các hướng dẫn từ Cục Hải quan tỉnh/thành phố để khai báo chính xác theo các yêu cầu được quy định.



250 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

BẢN TIN TỔNG HỢP THÁNG 06/2024

NGHỊ ĐỊNH SỐ 64/2024/NĐ-CP VỀ GIA HẠN THỜI HẠN NỘP THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG, THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP, THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN VÀ TIỀN THUÊ...

댓글


ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN TỪ RSM VIỆT NAM

Bạn mong muốn nhận được tư vấn của đội ngũ chuyên gia RSM Việt Nam, vui lòng gửi câu hỏi tại đây

Gửi thông tin đăng ký thành công. RSM sẽ liên hệ tư vấn cho bạn!

bottom of page