top of page

Cách tính Thuế nhà thầu doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam cần biết

Thuế nhà thầu là loại thuế quan trọng mà nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài có nghĩa vụ phải nộp khi sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Trong bài viết dưới đây, RSM Việt Nam xin chia sẻ với bạn đọc những thông tin cơ bản và quan trọng nhất về thuế nhà thầu bao gồm đối tượng áp dụng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, các loại thuế phải nộp và cách hạch toán thuế nhà thầu.


Nội dung bài viết


thue-nha-thau-la-gi
Thuế nhà thầu những thông tin quan trọng doanh nghiệp cần biết

1. Thuế nhà thầu là gì?

Thuế nhà thầu là loại thuế áp dụng đối với cá nhân, tổ chức (nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài) khi kinh doanh hoặc có thu nhập tại Việt Nam theo quy định.


Các loại thuế áp dụng

​Đối tượng

Nghĩa vụ thuế

Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là tổ chức kinh doanh

Phải thực hiện nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn tại Thông tư 103/2014/TT-BTC

Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là cá nhân nước ngoài kinh doanh

Thực hiện nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng theo hướng dẫn tại Thông tư 103/2014/TT-BTC; thuế thu nhập cá nhân theo pháp luật về thuế thu nhập cá nhân

Lưu ý: Đối với các loại thuế, phí và lệ phí khác, Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện theo các văn bản pháp luật về thuế, phí và lệ phí khác hiện hành


2. Đối tượng áp dụng thuế nhà thầu

Căn cứ Điều 1 Thông tư 103/2014/TT-BTC, đối tượng áp dụng thuế nhà thầu gồm:


1. Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu.


2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ và có phát sinh thu nhập tại Việt Nam trên cơ sở Hợp đồng ký giữa tổ chức, cá nhân nước ngoài với các doanh nghiệp tại Việt Nam (trừ trường hợp gia công và xuất trả hàng hóa cho tổ chức, cá nhân nước ngoài) hoặc thực hiện phân phối hàng hóa tại Việt Nam hoặc cung cấp hàng hóa theo điều kiện giao hàng của các điều khoản thương mại quốc tế - Incoterms mà người bán chịu rủi ro liên quan đến hàng hóa vào đến lãnh thổ Việt Nam.


Ví dụ:


Trường hợp 1

Doanh nghiệp X ở nước ngoài ký hợp đồng mua vải của doanh nghiệp Việt Nam A, đồng thời chỉ định doanh nghiệp A giao hàng cho doanh nghiệp Việt Nam B (theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật). Doanh nghiệp X có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng ký giữa doanh nghiệp X với doanh nghiệp B (doanh nghiệp X bán vải cho doanh nghiệp B).


Trong trường hợp này, doanh nghiệp X là đối tượng áp dụng theo quy định tại Thông tư 103/2014/TT-BTC và doanh nghiệp B có trách nhiệm khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho doanh nghiệp X theo quy định tại Thông tư 103/2014/TT-BTC.


Trường hợp 2

Doanh nghiệp Y ở nước ngoài ký hợp đồng gia công vải với doanh nghiệp Việt Nam C, đồng thời chỉ định doanh nghiệp C giao hàng cho doanh nghiệp Việt Nam D để tiếp tục sản xuất (theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật). Doanh nghiệp Y có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng ký giữa doanh nghiệp Y với doanh nghiệp D (doanh nghiệp Y bán hàng cho doanh nghiệp D).


Trong trường hợp này, doanh nghiệp Y là đối tượng áp dụng theo quy định tại Thông tư 103/2014/TT-BTC và doanh nghiệp D có trách nhiệm khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho doanh nghiệp Y theo quy định tại Thông tư 103/2014/TT-BTC.


Trường hợp 3

Doanh nghiệp Z ở nước ngoài ký hợp đồng gia công hoặc mua vải với doanh nghiệp Việt Nam E (doanh nghiệp Z cung cấp nguyên vật liệu cho doanh nghiệp E để gia công) và chỉ định doanh nghiệp E giao hàng cho doanh nghiệp Việt Nam G để tiếp tục gia công (theo hình thức gia công xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật). Sau khi gia công xong, Doanh nghiệp G xuất trả lại hàng cho Doanh nghiệp Z và Doanh nghiệp Z phải thanh toán tiền gia công cho doanh nghiệp G theo hợp đồng gia công.


Trong trường hợp này, doanh nghiệp Z không thuộc đối tượng áp dụng theo quy định tại Thông tư 103/2014/TT-BTC.


3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ tại Việt Nam trong đó tổ chức, cá nhân nước ngoài vẫn là chủ sở hữu đối với hàng hóa giao cho tổ chức Việt Nam hoặc chịu trách nhiệm về chi phí phân phối, quảng cáo, tiếp thị, chất lượng dịch vụ, chất lượng hàng hóa giao cho tổ chức Việt Nam hoặc ấn định giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ; bao gồm cả trường hợp uỷ quyền hoặc thuê một số tổ chức Việt Nam thực hiện một phần dịch vụ phân phối, dịch vụ khác liên quan đến việc bán hàng hóa tại Việt Nam.


Ví dụ: Doanh nghiệp A ở nước ngoài giao hàng hóa hoặc uỷ quyền thực hiện một số dịch vụ liên quan (như vận chuyển, phân phối, tiếp thị, quảng cáo...) cho Doanh nghiệp Việt Nam B trong đó Doanh nghiệp A là chủ sở hữu đối với hàng hóa giao cho Doanh nghiệp B hoặc Doanh nghiệp A chịu trách nhiệm về chi phí, chất lượng dịch vụ, chất lượng hàng hóa giao cho Doanh nghiệp B hoặc Doanh nghiệp A ấn định giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ thì Doanh nghiệp A là đối tượng áp dụng theo quy định tại Thông tư 103/2014/TT-BTC.


4. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thông qua tổ chức, cá nhân Việt Nam để thực hiện việc đàm phán, ký kết các hợp đồng đứng tên tổ chức, cá nhân nước ngoài.


5. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, phân phối tại thị trường Việt Nam, mua hàng hóa để xuất khẩu, bán hàng hóa cho thương nhân Việt Nam theo pháp luật về thương mại.


3. Đối tượng không áp dụng thuế nhà thầu theo Thông tư 103

3.1 Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Dầu khí, Luật các Tổ chức tín dụng.


3.2 Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp hàng hóa cho tổ chức, cá nhân Việt Nam không kèm theo các dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam dưới các hình thức:


Giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài: Người bán chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc xuất khẩu hàng và giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài; người mua chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu nước ngoài về đến Việt Nam (kể cả trường hợp giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài có kèm điều khoản bảo hành là trách nhiệm và nghĩa vụ của người bán).


Giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam: Người bán chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến hàng hóa cho đến điểm giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam; người mua chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu Việt Nam (kể cả trường hợp giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam có kèm điều khoản bảo hành là trách nhiệm và nghĩa vụ của người bán).


Ví dụ: Công ty C ở Việt Nam ký hợp đồng nhập khẩu lô hàng máy xúc, máy ủi với Công ty D ở nước ngoài, việc giao hàng được thực hiện tại cửa khẩu Việt Nam. Công ty D chịu mọi trách nhiệm, chi phí liên quan đến lô hàng cho đến điểm giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam; Công ty C chịu trách nhiệm, chi phí liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu Việt Nam. Hợp đồng có thỏa thuận lô hàng trên được Công ty D bảo hành trong 1 năm, ngoài ra Công ty D không thực hiện bất kỳ dịch vụ nào khác tại Việt Nam liên quan đến lô hàng trên. Trường hợp này, hoạt động cung cấp hàng hóa của Công ty D thuộc đối tượng không áp dụng của Thông tư.


3.3 Tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập từ dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng ngoài Việt Nam.


Ví dụ: Công ty H của Hongkong cung cấp dịch vụ thu xếp hàng hóa tại cảng ở Hongkong cho đội tàu vận tải quốc tế của Công ty A ở Việt Nam. Công ty A phải trả cho Công ty H phí dịch vụ thu xếp hàng hóa tại cảng ở Hongkong.


Trong trường hợp này, dịch vụ thu xếp hàng hóa tại cảng Hongkong là dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng tại Hongkong nên không thuộc đối tượng chịu thuế tại Việt Nam.


3.4 Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp dịch vụ dưới đây cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mà các dịch vụ được thực hiện ở nước ngoài:


- Sửa chữa phương tiện vận tải (tàu bay, động cơ tàu bay, phụ tùng tàu bay, tàu biển), máy móc, thiết bị (kể cả đường cáp biển, thiết bị truyền dẫn), có bao gồm hoặc không bao gồm vật tư, thiết bị thay thế kèm theo;


- Quảng cáo, tiếp thị (trừ quảng cáo, tiếp thị trên internet);


Ví dụ: Doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng với tổ chức ở Singapore để thực hiện dịch vụ quảng cáo sản phẩm tại thị trường Singapore thì dịch vụ quảng cáo này của tổ chức Singapore không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư. Trường hợp tổ chức ở Singapore thực hiện quảng cáo sản phẩm để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam trên internet thì thu nhập từ dịch vụ quảng cáo này thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư.

- Xúc tiến đầu tư và thương mại;

- Môi giới: bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài;


Ví dụ: Doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng thuê doanh nghiệp ở Thái Lan thực hiện dịch vụ môi giới để bán sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Thái Lan hoặc thị trường thế giới thì dịch vụ môi giới này của doanh nghiệp Thái Lan không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư; trường hợp doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng thuê doanh nghiệp ở Thái Lan thực hiện dịch vụ môi giới để chuyển nhượng bất động sản của doanh nghiệp Việt Nam tại Việt Nam thì dịch vụ môi giới này thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư.


- Đào tạo (trừ đào tạo trực tuyến);


Ví dụ: Công ty A ở Việt Nam ký hợp đồng với Trường Đại học B của Singapore để nhân viên Việt Nam sang Singapore học tại Trường Đại học B của Singapore thì dịch vụ đào tạo của Trường Đại học B không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư; trường hợp Công ty A ở Việt Nam ký hợp đồng với Trường Đại học B của Singapore để trường Đại học B dạy học cho nhân viên Việt Nam tại Việt Nam theo hình thức học trực tuyến thì dịch vụ đào tạo trực tuyến của trường Đại học B thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư.


- Chia cước (cước thanh toán) dịch vụ, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam, dịch vụ thuê đường truyền dẫn và băng tần vệ tinh của nước ngoài theo quy định của Luật Viễn thông; Chia cước (cước thanh toán) dịch vụ bưu chính quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài theo quy định của Luật Bưu chính, các điều ước quốc tế về Bưu chính mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia ký kết mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam.


3.5 Tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng kho ngoại quan, cảng nội địa (ICD) làm kho hàng hóa để phụ trợ cho hoạt động vận tải quốc tế, quá cảnh, chuyển khẩu, lưu trữ hàng hoặc để cho doanh nghiệp khác gia công.


4. Các loại thuế nhà thầu phải nộp

  • Nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài là một tổ chức kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế:

  • Thuế giá trị gia tăng (GTGT)

  • Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

  • Nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài là cá nhân kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế:

  • Thuế giá trị gia tăng (GTGT)

  • Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)


5. Cách tính thuế nhà thầu theo giá Gross

5.1 Thuế nhà thầu theo giá Gross

Là giá trị hợp đồng thầu giữa Doanh nghiệp Việt Nam và nhà thầu nước ngoài có phát sinh thu nhập tại Việt Nam đã bao gồm thuế


Lưu ý: Tính thuế GTGT cho nhà thầu trước, rồi tính thuế TNDN cho nhà thầu nước ngoài


Cách tính thuế GTGT:

Thuế GTGT phải nộp = Giá trị hợp đồng x Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu


Cách tính thuế TNDN

Thuế TNDN phải nộp = (Giá trị hợp đồng - Thuế GTGT) x Tỷ lệ thuế TNDN


1.1 Cách tính thuế nhà thầu theo giá Net


Là giá trị hợp đồng thầu giữa Doanh nghiệp Việt Nam và nhà thầu nước ngoài có phát sinh thu nhập tại Việt Nam chưa bao gồm thuế.


Lưu ý: Thực hiện tính thuế TNDN cho nhà thầu nước ngoài trước rồi tính thuế GTGT


Các tính thuế TNDN:


Doanh thu tính thuế TNDN = Doanh thu không bao gồm thuế TNDN : (1 -Tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế)


Thuế TNDN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNDN : Tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế


Cách tính thuế GTGT


Doanh thu tính thuế GTGT = Doanh thu chưa bao gồm thuế GTGT /(1 -Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu)


Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu:

STT

Ngành kinh doanh

Tỷ lệ % thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế

1

Dịch vụ, cho thuê máy móc thiết bị, bảo hiểm; xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị

5%

2

Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa; xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị

3%

3

Hoạt động kinh doanh khác

2%

Tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế

STT

Ngành kinh doanh

​Tỷ lệ % thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế

1

Thương mại: phân phối, cung cấp hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị; phân phối, cung cấp hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị gắn với dịch vụ tại Việt Nam {bao gồm cả cung cấp hàng hóa theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ (trừ trường hợp gia công hàng hóa cho tổ chức, cá nhân nước ngoài); cung cấp hàng hóa theo điều kiện giao hàng của Các điều khoản thương mại quốc tế – Incoterms}

1%

2

Dịch vụ, cho thuê máy móc thiết bị, bảo hiểm, thuê giàn khoan

5%

3

Riêng:

– Dịch vụ quản lý nhà hàng, khách sạn, casino;

10%

4

– Dịch vụ tài chính phái sinh

2%

5

Cho thuê tàu bay, động cơ tàu bay, phụ tùng tàu bay, tàu biển

2%

6

Xây dựng, lắp đặt có bao thầu hoặc không bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị

2%

7

Hoạt động sản xuất, kinh doanh khác, vận chuyển (bao gồm vận chuyển đường biển, vận chuyển hàng không)

2%

8

Chuyển nhượng chứng khoán, chứng chỉ tiền gửi, tái bảo hiểm ra nước ngoài, hoa hồng nhượng tái bảo hiểm

0.1%

9

Lãi tiền vay

5%

10

​Thu nhập bản quyền

10%

6. Phương pháp nộp thuế đối với nhà thầu nước ngoài

Các nhà thầu nước ngoài (NTNN) có thể lựa chọn một trong ba phương pháp nộp thuế sau đây:

  • Phương pháp khấu trừ,

  • Phương pháp ấn định tỷ lệ;

  • Phương pháp hỗn hợp.


6.1 Phương pháp khấu trừ

Theo phương pháp này, các nhà thầu nước ngoài sẽ phải đăng ký kê khai và nộp thuế GTGT, nộp tờ khai thuế TNDN và GTGT tương tự như các công ty Việt Nam. NTNN có thể áp dụng phương pháp khấu trừ nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:


Có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc là đối tượng cư trú thuế tại Việt Nam;

Thời hạn kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu; hợp đồng nhà thầu phụ từ 183 ngày trở lên;

Áp dụng chế độ kế toán Việt Nam, hoàn tất tờ khai đăng ký thuế và được cấp mã số thuế nhà thầu.

Bên Việt Nam phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế địa phương về việc nhà thầu nước ngoài sẽ nộp thuế theo phương pháp khấu trừ trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng;


Nếu NTNN thực hiện nhiều hợp đồng tại cùng một thời điểm, nếu có một hợp đồng đủ điều kiện theo quy định và NTNN đăng kí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thì các hợp đồng khác cũng phải thực hiện nộp thuế theo phương pháp NTNN đã đăng ký.


Các NTNN sẽ nộp thuế TNDN ở mức thuế suất là 20% trên lợi nhuận.


6.2 Phương pháp ấn định tỷ lệ

Nhà thầu nước ngoài nộp thuế theo phương pháp ấn định tỷ lệ không phải đăng ký khai/nộp thuế GTGT và không phải nộp tờ khai thuế TNDN và GTGT. Thay vào đó, thuế GTGT và TNDN sẽ do bên Việt Nam khấu trừ theo các tỷ lệ được ấn định trên tổng doanh thu tính thuế. Các tỉ lệ này thay đổi tùy thuộc vào hoạt động do NTNN thực hiện.


Thuế giá trị gia tăng do bên Việt Nam giữ lại thường được coi là khoản thuế GTGT đầu vào được khấu trừ trong tờ khai thuế GTGT của bên Việt Nam.


Việc kê khai thuế nhà thầu theo phương pháp ấn định tỷ lệ của Nhà thầu nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho hoạt động khai thác, thăm dò, phát triển và sản xuất dầu khí được quy định riêng.


6.3 Phương pháp hỗn hợp

Phương pháp hỗn hợp cho phép NTNN đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ (tức là thuế GTGT đầu ra trừ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ), nhưng nộp thuế TNDN theo các tỷ lệ ấn định tính trực tiếp trên tổng doanh thu tính thuế.


7. Hiệp định tránh đánh thuế hai lần

Thuế thu nhập doanh nghiệp của thuế nhà thầu nước ngoài như trình bày ở trên có thể được miễn giảm theo các hiệp định tránh đánh thuế hai lần có liên quan. Ví dụ mức thuế suất TNDN 5% đối với dịch vụ cung cấp bởi nhà thầu nước ngoài có thể được miễn dựa trên các hiệp định tránh đánh thuế hai lần nếu nhà thầu nước ngoài không có lợi tức phân bổ cho một cơ sở thường trú ở Việt Nam;


Việt Nam đã ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần với gần 80 nước và một số Hiệp định khác đang ở trong giai đoạn đàm phán. Xin vui lòng tham khảo Phụ lục I – danh mục các hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Điểm đáng chú ý là Việt Nam đã ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Hoa Kỳ, mặc dù hiệp định này vẫn chưa có hiệu lực.


Có nhiều hướng dẫn về việc áp dụng hiệp định tránh đánh thuế hai lần đã được ban hành bao gồm các quy định về người thực hưởng và các quy định chung về ngăn ngừa trốn thuế. Theo những quy định này, việc miễn hay giảm thuế theo hiệp định sẽ không được chấp nhận nếu mục đích chính của một hợp đồng là để được hưởng việc miễn hay giảm thuế theo hiệp định hoặc người đề nghị không phải là người thụ hưởng. Thông tư 205 cũng đưa ra quy định về việc xem xét bản chất thay vì hình thức phải được thực hiện khi xác định người thụ hưởng và đưa ra các yếu tố để xem xét gồm:

  • Người đề nghị có nghĩa vụ phân phối hơn 50% thu nhập của mình cho một công ty ở nước thứ 3 trong vòng 12 tháng kể từ khi nhận được thu nhập;

  • Người đề nghị không có hoặc hầu như không có hoạt động kinh doanh đáng kể nào;

  • Người đề nghị không có hoặc có rất ít quyền kiểm soát, không có rủi ro hoặc gánh chịu rất ít rủi ro đối với thu nhập nhận được;

  • Các thỏa thuận mà người đề nghị là người cung cấp dịch vụ/cho vay bao gồm các điều kiện và điều khoản trong một thỏa thuận khác với bên thứ ba mà người đề nghị là người được nhận dịch vụ/ khoản vay;

  • Người đề nghị là đối tượng cư trú của một nước có thuế suất thấp;

  • Người đề nghị là một công ty trung gian hoặc một đại lý.


8. Kết luận

Trên đây là những chia sẻ chi tiết của chúng tôi về những thông tin bạn cần biết về chủ đề liên quan đến Thuế nhà thầu. Tại RSM Việt Nam, chúng tôi tự tin cung cấp những kiến thức chuyên sâu và cập nhật nhất về các quy định thuế địa phương cũng như quốc tế có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Với cách tiếp cận dựa trên sự cân bằng và toàn diện, chúng tôi xem xét trên bức tranh tổng thể doanh nghiệp, không chỉ riêng kết quả sau cùng, các chuyên gia tư vấn của chúng tôi sẽ giúp doanh nghiệp nhìn ra cách xử lý thuế toàn diện nhất, để tối ưu chi phí và đạt được mục tiêu phát triển, dựa trên nhiều khía cạnh về doanh nghiệp của khách hàng, chúng tôi có thể đưa ra lời khuyên và lưu ý những cơ hội trong tương lai, trong khi luôn đảm bảo những tiêu chuẩn cao nhất về tính chính trực cũng như danh tiếng cho doanh nghiệp.


Dịch vụ thuế nhà thầu của chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp:

  • Hỗ trợ kê khai thuế nhà thầu nước ngoài và tư vấn về nghĩa vụ tuân thủ quy định về thuế nhà thầu của khách hàng;

  • Đánh giá các yêu cầu về thuế nhà thầu và thuế suất thuế nhà thầu liên quan;

  • Soát xét tình hình tuân thủ quy định pháp luật về thuế để đánh giá lịch sử rủi ro về việc tuân thủ thuế và tính đầy đủ của các hồ sơ, chứng từ;

  • Hỗ trợ khiếu nại thuế theo hiệp định tránh đánh thuế hai lần; và

  • Hỗ trợ khi có kiểm tra, thanh tra thuế.

Để biết thông tin chi tiết, quý khách hàng hãy liên hệ đến phòng phát triển khách hàng của chúng tôi theo số Hotline: 0988 139 090 hoặc email: lam.nguyen@rsmhanoi.com.vn

528 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN TỪ RSM VIỆT NAM

Bạn mong muốn nhận được tư vấn của đội ngũ chuyên gia RSM Việt Nam, vui lòng gửi câu hỏi tại đây

Gửi thông tin đăng ký thành công. RSM sẽ liên hệ tư vấn cho bạn!

bottom of page