top of page
Ảnh của tác giảRSM Việt Nam

Một góc nhìn về kế toán theo giá trị hợp lý

Kế toán theo giá trị hợp lý là khái niệm chuyên môn kế toán có thể so với quảng cáo xe ô tô mà người ta thường nhìn thấy trên tivi – có một chiếc xe đua chạy băng qua một con đường đầy chướng ngại vật, vượt đồi núi cùng một dòng chữ trên màn hình “Quảng cáo thực hiện bởi lái xe đua chuyên nghiệp trong đường đua biệt lập. Vui lòng không thực hiện ở nhà!”


hoạt động kế toán doanh nghiệp

Kế toán theo giá trị hợp lý không dành cho người yếu tim. Vì nó thường không chính xác. Cách làm này khiến một số người cảm thấy không thoải mái (những người này được gọi là Kiểm toán viên). Việc làm này xoay rất nhiều quanh xét đoán và ước lượng, đồng thời cũng yêu cầu trình độ chuyên môn cao. Và bất cứ khi nào nghiệp vụ kế toán có liên quan lớn đến xét đoán và ước tính, nghiệp vụ đó trở nên cực kỳ rủi ro về thao túng và gian lận.


Vai trò của kế toán giá trị hợp lý trong tình trạng hỗn độn của nền kinh tế hiện tại là chủ đề khá thú vị tuy nhiên đây không phải là đối tượng của bài viết này. Nhưng một vấn đề không phải bàn cãi đó là các nguyên tắc kế toán về xác định giá trị hợp lý là cực kỳ phức tạp. Sự phức tạp này chắc chắn đưa tới hậu quả là thiếu nhất quán trong quá trình áp dụng. Dù hầu hết những cái thiếu nhất quán này có lẽ chỉ là những lỗi sai sót, trong một số trường hợp thì do hiểu sai nguyên tắc, thì luôn có các trường hợp là do chủ tâm. Hậu quả là thế nào cũng có rất nhiều trường hợp gian lận liên quan đến kế toán giá trị hợp lý trong những năm tới đây. Tuy nhiên kỹ thuật gian lận sẽ thay đổi qua thời gian. Và một trong những điều phải đánh đổi cho các lợi ích mà kế toán giá trị hợp lý mang lại là nó sẽ làm tiền đề cho nhiều gian lận báo cáo tài chính về sau.


Có nhiều cách để xác định giá trị hợp lý trong đó có thể kể đến như: sử dụng giá cả và các thông tin liên quan từ các giao dịch thị trường của các tài sản hoặc nợ phải trả tương tự/có thể so sánh; sử dụng các kỹ thuật định giá để đưa các giá trị tương lai (dòng tiền hoặc thu nhập) về một giá trị hiện tại độc nhất (chiết khấu) hoặc; ước tính chi phí phát sinh để thay thế một tài sản hay làm mới năng lực của một tài sản. Mỗi phương pháp xác định giá trị hợp lý đều mang theo hạn chế và cùng với đó là ẩn chứa rủi ro gian lận.


Phương pháp giá thị trường có ưu điểm là sử dụng dữ liệu thực tế và do đó có tính khách quan cao hơn tuy nhiên với tùy từng tài sản/nợ phải trả không phải lúc nào cũng có sẵn thị trường để so sánh hoặc phép so sánh quá phức tạp. Rủi ro ở đây là người đánh giá rút ra kết luận về giá trị hợp lý dựa trên việc xem xét cả một khoảng giá, với chỉ một lượng dữ liệu đầu vào ít ỏi sẵn có dẫn đến kết quả không chính xác và chứa đựng thiên kiến.


Hay như với phương pháp chiết khấu giá trị, vấn đề mang nặng tính xét đoán ở đây là xác định được khoảng tương lai sẽ là bao nhiêu kỳ trong tương lai. Với một vài ngành hay một vài loại tài sản thì số kỳ tương lai này tương đối tiêu chuẩn. Nhưng trong hầu hết các trường hợp con số bao nhiêu kỳ để làm căn cứ chiết khấu lại hoàn toàn là đánh giá chủ quan, chưa nói đến việc lựa chọn tỷ suất chiết khấu cũng là một vấn đề thuần xét đoán (vì không ai đoán định được chính xác biến động lãi suất trong tương lai đặc biệt là tương lai xa).


Còn với phương pháp chi phí, rủi ro hiển nhiên ở đây liên quan đến ước tính chi phí thay thế hoặc ghi nhận suy giảm giá trị tài sản do lỗi thời hoặc các điều chỉnh do bất cứ tác nhân có liên quan nào khác. Trường hợp với tài sản vừa được mua về trong thời gian gần và model đó vẫn đang được bán trên thị trường thì chi phí thay thế có thể được ước tính tương đối dễ dàng. Nhưng với các loại tài sản không phải loại thông thường, được đặc chế, đặc dụng, thiết kế kiểu may đo thì việc ước tính này trở nên khó khăn.

Hoạt động kế toán doanh nghiệp

Trong rất nhiều trường hợp, việc đánh giá giá trị hợp lý của một tài sản tương đối dễ dàng nếu tài sản đó còn mới. Nhưng với tài sản cũ đã qua sử dụng, sẽ không có nhiều dữ liệu thị trường để tham chiếu, và dữ liệu giá thị trường tại thời điểm đánh giá sẽ phải điều chỉnh đáng kể để bao hàm được các yếu tố như tuổi tài sản, mức độ sử dụng, độ lỗi thời v.v…. Đối ngược với trường hợp trên thì một số tài sản trở nên dễ đánh giá hơn qua thời gian. Điều này đôi khi đúng với một số tài sản vô hình nhất định. Đánh giá dòng tiền tương lai của một tài sản vô hình có thể rất khó ngay tại thời điểm doanh nghiệp mới có được tài sản đó. Nhưng sau một thời gian khi có sơ sở và một lược sử về dòng tiền đã được thiết lập, dự báo dòng tiền cho một khoảng nhiều năm trong tương lai thực ra lại trở nên đáng tin cậy hơn (đặc biệt với loại hình SaaS mới phát triển ở Việt Nam).


Như vậy khi so sánh với phương pháp đánh giá giá trị tài sản/nợ phải trả truyền thống của Việt Nam là phương pháp giá gốc (phương pháp này còn được quy định thành một chuẩn mực trong số các chuẩn mực kế toán VAS) đã trở thành một thói quen của giới kế toán ở Việt Nam do dễ thực hiện, có phần an toàn (vì luôn có căn cứ là chứng từ gốc), với tài sản cố định thì có sự tồn tại của cả một thông tư trong đó ấn định cả khung thời gian khấu hao (cũng như phân bổ) chi tiết đến từng phân nhóm tài sản (thông tư 45/2013/TT-BTC của Bộ Tài Chính) để áp dụng cho cả mục đích thuế và kế toán (thường kế toán doanh nghiệp sẽ lựa chọn làm thống nhất giữa thuế và kế toán đồng thời không ghi nhận chênh lệch tạm thời). Dù vậy phương pháp giá gốc bỏ qua hoàn toàn các góc nhìn khác về khả năng tạo ra dòng tiền tương lai của tài sản, sự biến động giá trị thị trường do cả nguyên nhân vật lý và phi vật lý, hay một cách nhìn độc đáo hơn là phí tổn phải bỏ ra để thay thế tài sản nếu muốn duy trì khả năng sinh lời (vì như ta biết mức độ ứng dụng máy móc thiết bị hay chính là đòn bẩy kinh doanh là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến hệ số sinh lời của doanh nghiệp). Nhược điểm căn bản của tài sản ghi nhận theo phương thức giá gốc là nó luôn có độ trễ lớn so với giá giao dịch thực tế trên thị trường, đồng thời theo nguyên tắc ghi nhận tài sản trong kế toán Việt Nam, các chi phí liên quan đến tài sản phát sinh trong tương lai mà bắt buộc sẽ phải chi trả (ví dụ như chi phí tháo dỡ và khôi phục hiện trạng khi dự án kết thúc) hoàn toàn không được tính đến trong giá trị tài sản.


Theo đà phát triển của kinh tế thế giới, ngày càng có nhiều loại tài sản phi truyền thống được cho ra đời đòi hỏi phải được định giá đáng tin cậy. Vụ việc suy thoái kinh tế gần đây mà nhiều người vẫn chưa quên được là cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn 2007-2008, giai đoạn ngay trước đó cho ra đời nhiều loại công cụ đầu cơ chưa từng có tiền lệ đặt ra nhiều thách thức trong việc phân loại và định giá, tuy nhiên như đã nói, con đường dẫn đến suy thoái không phải là vấn đề được bàn đến trong bài viết này. Phương pháp truyền thống trong khi đặt nặng nguyên tắc thận trọng thì không thể nào phản ánh chính xác các tài sản có giá trị dao động trong biên độ rộng và liên tục, phương pháp kế toán tại Việt Nam cũng không có thiết đặt các tiêu thức rõ ràng mà khi thỏa mãn phải xem xét lại giá trị tài sản và ghi nhận ảnh hưởng (ngoại trừ một ước tính kế toán là trích lập dự phòng giảm giá). Hệ quả là dù có theo nguyên tắc giá gốc thì giá trị tài sản luôn có rủi ro bị đánh giá cao hoặc đánh giá thấp đáng kể so với giá trị thực tế hoặc việc trích lập dự phòng xảy ra thường trễ khá lâu sau khi sự biến động thực sự diễn ra (còn chiều biến động tăng thì không phản ánh).


Như vậy, bài viết này nhằm cung cấp thêm một góc nhìn về xu hướng phát triển của nền kế toán trong bối cảnh hội nhập chuẩn mực kế toán quốc tế, trên một phương diện vẫn ít được bàn đến là kế toán theo giá trị hợp lý. Với tư cách là nhà tư vấn chuyên nghiệp, RSM Hà Nội luôn mong muốn được thấu hiểu nhu cầu thông tin tài chính, kinh tế của doanh nghiệp, nhà quản lý kinh tế cũng như các nhà đầu tư hay chính là người sở hữu doanh nghiệp. Từ đó chúng tôi hướng đến cung cấp cho khách hàng dịch vụ tốt nhất về tư vấn kế toán cũng như chuyển đổi báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế và các dịch vụ có liên quan.


83 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentários


ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN TỪ RSM VIỆT NAM

Bạn mong muốn nhận được tư vấn của đội ngũ chuyên gia RSM Việt Nam, vui lòng gửi câu hỏi tại đây

Gửi thông tin đăng ký thành công. RSM sẽ liên hệ tư vấn cho bạn!

bottom of page