top of page

Vai trò của kế toán quản trị

Nội dung bài viết:


Kế toán quản trị là gì

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh cũng như đầu tư ngày càng phức tạp, vai trò của kế toán nói chung càng được nâng cao. Không chỉ dừng lại ở kế toán tài chính là đơn vị cung cấp thông tin cho các đối tượng bên ngoài, kế toán quản trị với chức năng cung cấp thông tin cho lãnh đạo để tham khảo trước khi đưa ra các quyết định để điều hành, quản lý doanh nghiệp cũng được chú trọng nhiều hơn cả.


Lĩnh vực Kế toán quản trị, thường được gọi là Kế toán quản lý hoặc Kế toán doanh nghiệp, bao gồm các nhiệm vụ tài chính và kế toán cần thiết để vận hành một doanh nghiệp. Kế toán quản lý làm việc trong các công ty và tổ chức để chỉ đạo các quy trình tài chính nội bộ; giám sát chi phí, bán hàng, chi tiêu và ngân sách; thực hiện các cuộc kiểm toán; xác định xu hướng trong quá khứ và dự đoán nhu cầu trong tương lai; và hỗ trợ lãnh đạo công ty trong các quyết định tài chính.


Kế toán quản trị thường bị nhầm lẫn với kế toán tài chính, trong khi cả hai đều cung cấp các dịch vụ có giá trị cho một tổ chức, có sự khác biệt chính giữa hai vai trò. Kế toán quản lý chủ yếu liên quan đến việc hoàn thành nhiệm vụ và sản xuất các báo cáo, thông báo cho ban lãnh đạo công ty về các quyết định tài chính liên quan đến hoạt động chung của công ty. Trọng tâm của kế toán tài chính là thông báo cho các nhóm bên ngoài – chẳng hạn như ngân hàng, hội đồng quản trị, cổ đông và cơ quan thuế – về tình trạng tài chính của công ty.


Tuy nhiên, tại Việt Nam kế toán quản trị vẫn chưa thực sự nhận sự quan tâm đúng mực của doanh nghiệp, do vậy chưa phát huy tối đa vai trò. Mặc dù trong Luật Kế toán đã có khái niệm, kế toán quản trị là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán.


Kế toán tài chính và kế toán quản trị khác nhau như thế nào?

Kế toán quản trị và kế toán tài chính có rất nhiều điểm khác nhau, kế toán tài chính thường cung cấp thông tin cho các đối tượng bên ngoài, còn kế toán quản trị nhằm cung cấp thông tin cho nhà quản trị để tham khảo trước khi đưa ra các quyết định để điều hành, quản lý doanh nghiệp.


Kế toán quản trị làm việc với ai

Kế toán quản lý làm việc với quản lý điều hành của tổ chức của họ. Họ phân tích dữ liệu tài chính, bao gồm dữ liệu rủi ro và cung cấp các báo cáo để các nhà quản lý có thể đưa ra các quyết định kinh doanh chiến lược.


Vai trò của kế toán quản trị trong doanh nghiệp

Bởi các nội dung trên, kế toán quản trị có những vai trò riêng rất cụ thể và đặc trưng nhưng không kém phần quan trọng trong quản lý doanh nghiệp. Chúng ta có thể hiểu về điều đó như sau:

Các giám đốc điều hành có mục tiêu chung là quản lý hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Các hoạt động hàng ngày đều xung quanh vấn đề xử lý thông tin và ra quyết định hiệu quả. Vai trò của kế toán quản trị là cung cấp thông tin cho các giám đốc điều hành để phục vụ cho việc ra quyết định.


Thông tin kế toán quản trị đặc biệt quan trọng trong quá trình vận hành doanh nghiệp. Mỗi thông tin của kế toán quản trị thu được là kết quả quá trình có tính 2 mặt: thông tin và kiểm tra. Vì vậy, khi đề cập đến KTQT cũng như thông tin của KTQT không thể tách rời 2 đặc trưng cơ bản. Toàn bộ nội dung về hoạt động sản xuất kinh doanh, từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra đều được phản ánh sinh động qua các thông tin kế toán.


Quá trình ra quyết định cho công việc điều hành kinh doanh có thể được mô tả qua các bước như sau:

  • Lập kế hoạch: Là một bức tranh tổng thể của doanh nghiệp trong tương lai, hoặc tổng thể các chỉ tiêu kinh tế được xây dựng và đưa ra các biện pháp để đạt được các mục tiêu kỳ vọng. Để xây dựng kế hoạch các nhà quản trị thường phải dự đoán, phán đoán kết quả của các chỉ tiêu kinh tế sẽ xảy ra dựa trên những cơ sở khoa học sẵn có. Trong quá trình xây dựng, nhà quản trị thường phải liên kết các chỉ tiêu kinh tế với nhau để thấy rõ sự tác động về nguyên nhân và kết quả sẽ xảy ra trong tương lai.

  • Tổ chức công tác và điều hành: Đây là chức năng cơ bản của các nhà quản trị. Chức năng này nhằm truyền đạt các chỉ tiêu kế hoạch đã xây dựng cho các bộ phận trong doanh nghiệp đồng thời tổ chức hoạt động tại các bộ phận theo như kế hoạch đã phê duyệt. Chức năng này yêu cầu các nhà quản lý phải liên kết các bộ phận với nhau, sử dụng nguồn lao động hợp lý nhằm khai thác tối đa các yếu tố của quá trình sản xuất để đạt được các mục tiêu đã dự định

  • Kiểm soát và đánh giá các kết quả thực hiện: Căn cứ vào các chỉ tiêu của các kết quả thực hiện đối chiếu với các kế hoạch đã xây dựng để kiểm tra và đánh giá tình hình thực hiện kết quả của doanh nghiệp. Thông qua đó để phân tích và thu nhận các thông tin phục vụ cho quá trình kinh doanh tiếp theo. Thực chất của quá trình kiểm tra và đánh giá thường là so sánh thấy được sự khác nhau giữa thực hiện với kế hoạch đã xây dựng, từ đó xác định các nguyên nhân ảnh hưởng để có thể điều chỉnh quá trình thực hiện của từng người, từng bộ phận nhằm cho các tổ chức hoạt động đạt được các mục tiêu tối ưu.

  • Ra quyết định: Đây là chức năng cơ bản nhất của thông tin kế toán quản trị. Dựa vào nguồn thông tin thu thập, thông qua phân tích, chọn lọc thông tin để đưa ra quyết định đối với từng hoạt động cụ thể của quá trình kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tiết kiệm chi phí…

Việc ra quyết định thường dựa trên cơ sở tổng hợp nhiều nguồn thông tin khác nhau, nhưng trong đó thông tin kế toán quản trị thường giữ vai trò có tính chất quyết định và độ tin cậy cao. Các nhà quản trị thường đứng trước nhiều phương án kinh doanh khác nhau. Mỗi phương án thường bao gồm nhiều hệ thống thông tin đa dạng như là số lượng, chủng loại, chi phí, lợi nhuận, vốn, thị trường… Do vậy, đòi hỏi kế toán quản trị phải tổng hợp, phân tích và chọn lọc hệ thống thông tin này.


Các mục tiêu chủ yếu của kế toán quản trị:

– Cung cấp thông tin cho nhà quản lý để lập kế hoạch và ra quyết định;

– Đóng góp trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch chiến lược của DN :

  • Lập kế hoạch ( ngắn hạn, dài hạn )

  • Kiểm soát việc sử dụng nguồn lực công ty có hiệu quả không

– Đóng góp cải thiện lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp

  • Chi phí thấp

  • Sản phẩm khác biệt

– Trợ giúp nhà quản lý trong việc điều hành và kiểm soát hoạt động của tổ chức;

– Thúc đẩy các nhà quản lý đạt được các mục tiêu của tổ chức;

– Đo lường hiệu quả hoạt động của các nhà quản lý và các bộ phận, đơn vị trực thuộc trong tổ chức.


Các phương pháp nghiệp vụ trong kế toán quản trị

  • Thông tin phải so sánh được ( quan trọng nhất )

  • Phân loại chi phí

  • Thiết kế thông tin dưới dạng phương trình/đồ thị

Tại sao kế toán quản trị phải quan tâm đến thông tin phi tài chính ?

Các vấn đề phi tài chính như quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, kế hoạch kinh doanh, việc tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, cơ cấu bộ máy nhân sự, bộ phận kiểm soát nội bộ, trình độ & kinh nghiệm của người quản lý, lĩnh vực hoạt động chủ yếu, thị phần trên thị trường, quan hệ với các tổ chức tín dụng khác, đánh giá của các đối tác & khách hàng, …

  • Thông tin phi tài chính hỗ trợ cho các cấp lãnh đạo ra quyết định chính xác, kịp thời.

  • Thông tin về tình hình chính sách thương mại, chiết khấu thanh toán của nhà cung cấp  giúp doanh nghiệp có kế hoạch mua hàng hợp lý và đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu để sản xuất không bị gián đoạn.

  • Thông tin về tình hình thị trường, đối thủ cạnh tranh giúp doanh nghiệp có kế hoạch marketing hợp lý để tạo sự khác biệt về sản phẩm.

  • Thông tin phi tài chính hỗ trợ cho các cấp lãnh đạo kiểm soát và đánh giá hoạt động doanh nghiệp.

  • Để đánh giá sự hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ  sử dụng Bảng khảo sát ( Questionaire ).

  • Công ty muốn mở rộng kinh doanh, tăng doanh thu thì kiểm soát khâu R&D thực hiện như thế nào hoặc kiểm soát việc nhân viên có tham gia đầy đủ các lớp nâng cao trình độ hay không.






74 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN TỪ RSM VIỆT NAM

Bạn mong muốn nhận được tư vấn của đội ngũ chuyên gia RSM Việt Nam, vui lòng gửi câu hỏi tại đây

Gửi thông tin đăng ký thành công. RSM sẽ liên hệ tư vấn cho bạn!

bottom of page