top of page

Chuyển đổi IFRS: Cơ hội, khó khăn và thách thức cho doanh nghiệp

Hơn 100 quốc gia đang sử dụng các Chuẩn mực lập Báo cáo Tài chính quốc tế (IFRS), một con số sẽ tăng vọt lên 150 quốc gia trong vòng 5 năm tới. Nếu bạn là một tổ chức đang phát triển đầy tham vọng, hoạt động trên phạm vi quốc tế với kế hoạch mở rộng ra thị trường nước ngoài, bạn cần phải có lời khuyên chính xác, phù hợp về IFRS.


Nếu doanh nghiệp của bạn đang là một công ty niêm yết hoặc mong muốn niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như nước ngoài thì bạn cần nắm bắt sự thay đổi này để trở nên nổi bật so với các công ty khác trên thị trường này.


Nếu doanh nghiệp bạn là một công ty đa quốc gia đang gặp những thách thức khi phải thường xuyên chuyển đổi báo cáo tài chính từ VAS sang IFRS để phục vụ công tác hợp nhất số liệu tại công ty mẹ, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn phương pháp chuyển đổi nhanh chóng và hiệu quả nhất.


Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn về chuyển đổi Báo cáo Tài chính hợp nhất sang IFRS, những khó khăn và thách thức nào doanh nghiệp sẽ đối mặt và giải pháp nào để chuyển đổi thành công.


chuyen-doi-IFRS

1. IFRS là gì?


IFRS là từ viết tắt của International Financial Reporting Standards, dịch ra tiếng Việt là Chuẩn mực Báo cáo Tài chính quốc tế (IFRS). Đây là tên gọi của một hệ thống các chuẩn mực kế toán do Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), một cơ quan trực thuộc IFRS Foundation (Quỹ IFRS) ban hành với mục đích tạo ra một “ngôn ngữ” toàn cầu chung về kế toán, giúp cho các Báo cáo tài chính được trình bày nhất quán, minh bạch, tin cậy và dễ dàng so sánh với nhau không phân biệt lĩnh vực, quốc gia hay vùng lãnh thổ.


2. Thực trạng áp dụng chuẩn mực kế toán tại Việt Nam hiện nay


Tại Việt Nam, vào ngày 16/3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 345/QĐ-BTC phê duyệt đề án áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam. Theo đó, việc áp dụng IFRS tại Việt Nam được chia làm 3 giai đoạn gồm giai đoạn chuẩn bị (từ năm 2019 đến năm 2021); giai đoạn thử nghiệm (từ năm 2022 đến năm 2025) sẽ áp dụng tại một số doanh nghiệp do Bộ tài chính lựa chọn và giai đoạn bắt buộc (từ sau năm 2025) sẽ áp dụng đối với một số loại hình doanh nghiệp.


Do Việt Nam chưa tuyên bố áp dụng IFRS nên hiện tại các doanh nghiệp đều lập BCTC theo VAS. Một số doanh nghiệp lớn trong nước và doanh nghiệp FDI theo yêu cầu của nhà đầu tư hoặc công ty mẹ tại nước ngoài, nhà tài trợ quốc tế hiện đang thực hiện chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS chứ chưa trực tiếp lập BCTC theo IFRS. Việc chuyển đổi BCTC hiện vẫn còn nhiều hạn chế do các doanh nghiệp chưa được đào tạo căn bản nên phụ thuộc vào các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán trong khi Nhà nước chưa có hướng dẫn chính thức.


Năm 2018, được sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Bộ Tài chính đã phối hợp với đơn vị tư vấn độc lập tiến hành khảo sát về nhu cầu và khả năng áp dụng tại 46 đơn vị tại Việt Nam trong đó có hơn 27 đơn vị là các doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn. Kết quả khảo sát cho thấy nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn chịu áp lực từ nhà đầu tư nước ngoài hoặc các định chế tài chính quốc tế, đặc biệt là khối 22 doanh nghiệp FDI chịu áp lực từ công ty mẹ ở nước ngoài có nhu cầu áp dụng IFRS. Do Việt Nam hiện chưa cho phép áp dụng IFRS nên các đối tượng này đang phải thực hiện chuyển đổi BCTC lập theo VAS sang IFRS để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, chủ nợ nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi lập BCTC theo IFRS vì chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng chi tiết của cơ quan có thẩm quyền (Bộ Tài chính), nhiều doanh nghiệp phải thuê các công ty kiểm toán trợ giúp trong quá trình chuyển đổi BCTC sang IFRS.


Như vậy có thể thấy rằng nhu cầu áp dụng IFRS tại Việt Nam là thực tế khách quan, chủ yếu tập trung vào khối doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn và các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, do chưa được đào tạo về IFRS, nên phần lớn các doanh nghiệp này chưa thật sự sẵn sàng áp dụng mà cần thời gian để chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, vật lực, nâng cấp hệ thống thông tin, phần mềm. Theo kinh nghiệm của các doanh nghiệp Nhật Bản và Châu Âu thì để đảm bảo tính khả thi, doanh nghiệp cần phải có một khoảng thời gian chuẩn bị cần thiết (thường là 2 - 3 năm kể từ thời điểm công bố) để chuyển đổi từ việc áp dụng Chuẩn mực quốc gia sang IFRS.


chuyen-doi-IFRS

3. Sự khác biệt giữa IFRS và VAS


Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) là sự thay đổi quan trọng trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính và là thay đổi về chuẩn mực kế toán lớn nhất trong thời đại. IFRS đã trở thành ngôn ngữ kế toán chung phổ biến nhất trên toàn cầu. Kết quả thống kê của IFRS.org chỉ ra rằng đến tháng 4/2018 có 144 quốc gia và vùng lãnh thổ (87%) trong 166 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đã bắt buộc sử dụng chuẩn mực IFRS. Phần lớn trong nhóm 22 quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại đã cho phép hoặc đang trong lộ trình triển khai áp dụng IFRS. Chỉ còn 7 quốc gia trong đó có Việt Nam vẫn chỉ sử dụng chuẩn mực kế toán riêng.


Việc sử dụng ngôn ngữ kế toán toàn cầu IFRS giúp các giao dịch tài chính quốc tế giảm thiểu chi phí và tăng tính minh bạch. Trong giai đoạn Việt Nam đang hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, Việt Nam nói chung và mỗi doanh nghiệp Việt Nam nói riêng cần làm quen và lập kế hoạch áp dụng IFRS trong tương lai gần.


Quá trình chuyển đổi báo cáo và giai đoạn đầu lập báo cáo tài chính theo IFRS thực sự là một thách thức lớn. Các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi báo cáo thường đánh giá thấp những yêu cầu cần thiết, đặc biệt là về thời gian và nguồn lực cho quá trình chuyển đổi.


Trở ngại từ việc chuyển đổi báo cáo tài chính theo chuẩn mực IFRS không đơn thuần là vấn đề về kế toán, IFRS còn có thể ảnh hưởng trọng yếu đến hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp hoặc thậm chí ảnh hưởng đến báo cáo khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Để đạt được hiểu quả cao nhất từ việc chuyển đổi, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này để cải thiện toàn bộ hệ thống và quy trình của mình nhằm đảm bảo tính hiệu quá, kịp thời và đầy đủ của các thông tin tài chính trong và ngoài doanh nghiệp.


Đọc thêm bài viết:


Những lợi ích khi doanh nghiệp chuyển đổi Báo cáo tài chính hợp nhất sang IFRS


Việc chuyển đổi Báo cáo tài chính hợp nhất sang IFRS mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong việc nâng cao tính minh bạch thông tin, tiết kiệm chi phí vốn và lập báo cáo cũng như gia tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.


IFRS giúp cho việc huy động vốn nước ngoài trở lên dễ dàng hơn, đồng thời, giúp nâng cao trách nhiệm giải trình bằng cách giảm bớt lỗ hổng thông tin giữa nội bộ và bên ngoài công ty. Từ đó, làm tăng tính minh bạch của thông tin, giúp các công ty có thể tiếp cận nguồn vốn trên thị trường quốc tế, cũng như nâng cao uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp.


IFRS hỗ trợ giảm thiểu chi phí về vốn và chi phí báo cáo. Từ việc gia tăng tính tin cậy về thông tin, doanh nghiệp sẽ tăng khả năng huy động dòng vốn đầu tư nước ngoài, giảm thiểu chi phí phát hành chứng khoán để huy động vốn. Mặt khác, khi áp dụng theo IFRS các công ty đa quốc gia sẽ rút gọn chỉ còn một bộ báo cáo tài chính trên cùng một ngôn ngữ duy nhất, từ đó giúp tiết kiệm chi phí khi lập báo cáo.

IFRS giúp doanh nghiệp thể hiện sự cam kết các tiêu chuẩn cao nhất về thông tin tài chính và bảo vệ nhà đầu tư, đem lại cho các công ty tấm hộ chiếu để thâm nhập vào hầu hết mọi thị trường vốn trên thế giới.

Ứng dụng IFRS sẽ giúp các thước đo hoạt động vận hành trong công ty theo một quy chuẩn chung, được áp dụng nghiêm ngặt bởi sự tuân thủ cao. Báo cáo tài chính theo chuẩn mực toàn cầu vì thế cũng sẽ cung cấp thông tin toàn diện, đúng đắn, kịp thời. Do đó, các doanh nghiệp có thể so sánh được với các đối thủ cạnh tranh để biết được điểm mạnh, điểm yếu so với đối thủ để tìm hướng khắc phụ và nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường.



Những thách thức nào cho doanh nghiệp khi chuyển đổi IFRS tại Việt Nam?


Việc áp dụng IFRS và xây dựng, triển khai áp dụng VFRS sẽ gặp phải các khó khăn, vướng mắc nhất định. Thể hiện qua các nội dung sau:


Thứ nhất, việc xây dựng hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS) là công việc hết sức khó khăn, cần tập trung nguồn lực, các chuyên gia. Trong điều kiện các cơ chế chính sách tài chính, quy định về thuế còn có các biệt lớn sẽ dẫn đến khác vướng mắc không chỉ trong khâu xây dựng văn bản mà quan trọng hơn là trong khâu tổ chức thực hiện. Việc đưa các quy định của IFRS vào chuẩn mực báo cáo tài chính của Việt Nam là khó khăn, thách thức lớn.


Thứ hai, thị trường vốn và thị trường tài chính chưa phát triển đủ mạnh: IFRS hướng đến việc trình bày các khoản mục của BCTC theo giá trị hợp lý, phù hợp với diễn biến của nền kinh tế thị trường tại thời điểm báo cáo (Mark to Market). Để đáp ứng được yêu cầu của IFRS đòi hỏi phải có thị trường hoạt động để cung cấp được các thông số tài chính một cách đáng tin cậy khi thực hiện một số kỹ thuật như xác định giá trị hợp lý, lãi suất hiệu lực, tổn thất tài sản,... Ngoài ra, do IFRS hướng đến việc phản ánh các giao dịch của nền kinh tế phát triển với nhiều loại công cụ tài chính phức tạp (mà ở Việt Nam hiện chưa phổ biến) nên việc áp dụng IFRS đối với một nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam có thể gặp một số khó khăn nhất định trong ngắn hạn.


Thứ ba, đạo đức nghề nghiệp và tâm lý không muốn công khai về tình hình tài chính của một số doanh nghiệp: Khi áp dụng IFRS, thông tin tài chính của doanh nghiệp sẽ được trình bày sát thực hơn, thận trọng hơn nhưng điều này có thể làm cho BCTC của doanh nghiệp không được khả quan như hiện nay. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp không có ý thức tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, không sẵn sàng công khai tình hình tài chính thì đây sẽ là lực cản đối với quá trình tiếp cận với thông lệ quốc tế. Tâm lý e ngại của một số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước có thể ảnh hưởng đến xếp hạng, phân loại doanh nghiệp cũng như đánh giá về người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ban lãnh đạo doanh nghiệp hoặc đối với các công ty niêm yết nếu kết quả kinh doanh liên tục bị lỗ có thể ảnh hưởng đến việc duy trì điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Để giải quyết vấn đề này, hệ thống bộ tiêu chí đánh giá về hiệu quả, phân loại, xếp hạng các doanh nghiệp nhà nước cũng như yêu cầu về duy trì điều kiện niêm yết cũng cần phải được xem xét và sửa đổi lại cho phù hợp với bối cảnh doanh nghiệp áp dụng IFRS.


Thứ tư, đội ngũ nhân lực về kế toán chưa được đào tạo sâu về IFRS: Nhìn chung, nhân lực kế toán tại Việt Nam chưa được đào tạo về IFRS. Số lượng các chuyên gia am hiểu, có kinh nghiệm và kỹ năng lập BCTC theo IFRS còn ít, chủ yếu là một số nhà nghiên cứu và kiểm toán viên của các công ty kiểm toán lớn. Ngay đội ngũ giảng viên các trường đại học cũng chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về IFRS nên chỉ có một số rất ít cơ sở đào tạo đã đưa IFRS vào chương trình giảng dạy. Vì vậy, đội ngũ kế toán viên tại các doanh nghiệp (đối tượng trực tiếp áp dụng IFRS) cũng như sinh viên hầu hết chưa đáp ứng được yêu cầu.


Thứ năm, rào cản ngôn ngữ: Rào cản ngôn ngữ cũng là một khó khăn cần tính đến do IFRS được soạn thảo bằng tiếng Anh và để có thể phổ biến, quảng bá rộng rãi IFRS đến công chúng, cần phải dịch sang ngôn ngữ của các quốc gia. Tuy nhiên việc chuyển tải chính xác các thuật ngữ chuyên môn cũng như cập nhật thường xuyên, liên tục các nội dung thay đổi của IFRS không phải là điều dễ dàng. Việc chuyển tải ngôn ngữ không chỉ tác động đến việc ápdụng IFRS, mà còn tác động đến việc xây dựng và triển khai áp dụng VFRS.


Thứ sáu, yếu tố văn hóa, tư duy và khía cạnh pháp lý: IFRS được thiết lập theo phương pháp dựa trên nguyên tắc trong khi các quy định của pháp luật kế toán của Việt Nam thường được xây dựng chủ yếu mang tính quy tắc (Luật) rất cao. Mặt khác, văn hoá của người Việt Nam thường thích cầm tay chỉ việc, trích dẫn từng câu từng chữ trong văn bản mà chưa quen với việc vận dụng các nguyên tắc vào từng tình huống cụ thể. Vì vậy, khi IFRS yêu cầu thực hiện một số đánh giá mang tính xét đoán như đưa ra các ước tính về giá trị hợp lý, giá trị có thể thu hồi, tổn thất tài sản của đơn vị tạo tiền và lợi thế thương mại, xác định 35 giá trị hiện tại của dòng tiền tương lai… thì trong giai đoạn đầu áp dụng IFRS, có thể một số cán bộ tài chính, kế toán cũng như cơ quan quản lý Nhà nước còn bỡ ngỡ, chưa kịp thích nghi với cách tiếp cận của thông lệ quốc tế.


Thứ bảy, sự khác biệt giữa cơ chế tài chính và chuẩn mực BCTC: Hầu hết các quốc gia trên thế giới, chỉ tồn tại 2 hệ thống văn bản là chuẩn mực BCTC và chính sách thuế mà không có cơ chế tài chính như Việt Nam vì số lượng doanh nghiệp Nhà nước ở các quốc gia trên thế giới khá ít và thông thường Chính phủ chỉ quản lý vĩ mô, cung cấp dịch vụ công chứ không chi phối hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc xử lý phần lớn các nội dung về tài chính đã được giải quyết trong chuẩn mực BCTC, các nội dung khác liên quan đến quản trị, điều hành doanh nghiệp như phân phối lợi nhuận, quyết định đầu tư, đi vay… đều do đơn vị tự quyết định.


Việt Nam hiện có 3 loại văn bản quy phạm pháp luật cùng tác động đến công tác tài chính của doanh nghiệp là chuẩn mực BCTC, chính sách thuế và cơ chế tài chính dẫn đến sự chồng chéo, không nhất quán trong cách thức tiếp cận và áp dụng các chính sách này do doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý Nhà nước chưa phân biệt rõ phạm vi áp dụng của chuẩn mực BCTC, chính sách thuế và cơ chế tài chính. Điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vì cùng một vấn đề nhưng chuẩn mực BCTC và cơ chế tài chính có thể xử lý khác nhau. Ví dụ các quy định không nhất quán về dự phòng, trích khấu hao TSCĐ, xử lý chênh lệch tỷ giá… làm cho doanh nghiệp gặp lúng túng khi áp dụng pháp luật và giảm khả năng so sánh thông tin tài chính giữa các doanh nghiệp khi cùng một giao dịch lại áp dụng các quy định khác nhau để lập và trình bày BCTC.


Xem thêm bài viết

112 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN TỪ RSM VIỆT NAM

Bạn mong muốn nhận được tư vấn của đội ngũ chuyên gia RSM Việt Nam, vui lòng gửi câu hỏi tại đây

Gửi thông tin đăng ký thành công. RSM sẽ liên hệ tư vấn cho bạn!

bottom of page