Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS đang được hơn 100 quốc gia sử dụng và con số này sẽ tiếp tục tăng lên thành 150 quốc gia trong vòng 5 năm tới. IFRS đang ngày càng trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu, các doanh nghiệp toàn cầu sử dụng IFRS như là một ngôn ngữ tài chính chung để giao tiếp và kinh doanh với nhau.
Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) là gì?
IFRS là viết tắt của Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Là bộ chuẩn mực kế toán do Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) xây dựng và ban hành. IFRS cung cấp một khuôn khổ chung về báo cáo tài chính được các công ty trên toàn thế giới sử dụng để lập và trình bày báo cáo tài chính của họ.
IFRS là từ viết tắt của International Financial Reporting Standards, dịch ra tiếng Việt là Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế. Đây là tên gọi của một hệ thống các chuẩn mực kế toán do Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), một cơ quan trực thuộc IFRS Foundation (Quỹ IFRS) ban hành với mục đích tạo ra một “ngôn ngữ” toàn cầu chung về kế toán, giúp cho các Báo cáo tài chính được trình bày nhất quán, minh bạch, tin cậy và dễ dàng so sánh với nhau không phân biệt lĩnh vực, quốc gia hay vùng lãnh thổ.
IFRS Foundation là tổ chức đứng đằng sau việc xây dựng và phát triển các Chuẩn mực IFRS. Quỹ này hoạt động dưới dạng tổ chức phi lợi nhuận và có lợi ích công chúng, được thành lập theo luật pháp Bang Delaware, Hoa Kỳ nhưng đăng ký hoạt động dưới hình thức công ty hải ngoại tại Anh và xứ Wales với trụ sở chính đặt tại Luân Đôn, Anh quốc.
Mục đích của IFRS là đảm bảo tính minh bạch, khả năng so sánh và độ tin cậy trong báo cáo tài chính. Nó đặt ra các tiêu chuẩn dựa trên các nguyên tắc phác thảo cách ghi nhận, đo lường và trình bày các giao dịch và sự kiện tài chính khác nhau trong báo cáo tài chính.
IFRS cung cấp hướng dẫn cụ thể cho việc xử lý kế toán Tài sản, Nhà máy và Thiết bị (PPE). PPE đề cập đến các tài sản hữu hình do một thực thể nắm giữ để sử dụng trong quá trình sản xuất hoặc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ, để cho người khác thuê hoặc cho các mục đích hành chính và dự kiến sẽ được sử dụng trong nhiều kỳ kế toán.
Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, và trước xu hướng chung của tài chính thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam càng không thể làm ngơ trước xu hướng chuyển đổi IFRS.
Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp loay hoay với bài toán chuyển đổi sang IFRS, cung như làm rõ câu hỏi vì sao cần chuyển đổi IFRS.
Trong bài viết hướng dẫn 10 bước chuyển đổi từ VAS sang IFRS, chúng tôi đã đưa ra hướng dẫn rất chi tiết, bạn hãy xem thêm bài viết này để nắm các bước được chúng tôi hướng dẫn.
Nếu Doanh nghiệp của bạn là công ty niêm yết, hãy tham khảo thêm bài viết “Doanh nghiệp niêm yết cần lưu ý gì về chuyển đổi IFRS và kiểm toán báo cáo tài chính”.
RSM Hà Nội xin được chia sẻ với Quý bạn đọc 7 lý doanh tại sao doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS.
Sự khác biệt ngày càng lớn của VAS và IFRS
Từ 2001 đến 2005, Bộ Tài Chính ban hành 26 Chuẩn Mực Kế Toán Việt Nam (VAS) dựa trên Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IAS) và Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS), có bổ sung và thay đổi "cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam".
Tuy nhiên, VAS chỉ ứng dụng một phần của bộ Chuẩn mực IFRS dẫn đến thiếu sự đồng bộ trong VAS. Hơn thế nữa, từ 2005 đến nay, VAS không được cập nhật hoặc chỉnh sửa trong khi IFRS và IAS đã và đang thay đổi rất nhiều do quá trình hợp nhất giữa IFRS và US GAAP. Điều này dẫn đến một sự khác biệt lớn giữa VAS và IFRS.
Trong nỗ lực giải quyết vấn đề này, Bộ Tài Chính đã ban hành nhiều thông tư hướng dẫn áp dụng VAS. Nếu có mâu thuẫn giữa những hướng dẫn này và VAS, các thông tư sẽ được chọn làm cơ sở áp dụng.
Thông tư 200/2014/TT-BTC và Thông tư 202/2014 đã mang lại nhiều thay đổi và đưa VAS tiệm cận IFRS hơn ở một số khoản mục. Tuy vậy, giữa hai Chuẩn mực vẫn còn khác biệt căn bản như một số ví dụ dưới đây.
Giá trị hợp lý (fair value) là xu hướng trong hầu hết các chuẩn mực IFRS mới được ban hành hay điều chỉnh. IFRS hướng đến cung cấp thông tin phù hợp hơn cho người đọc bằng cách phản ánh tình hình tài chính của công ty gần với giá trị vốn hóa tại thời điểm hiện tại chứ không theo giá gốc lịch sử, và ghi nhận các khoản lỗ hay tổn thất tài chính sớm hơn ngay khi xuất hiện khả năng có tổn thất. Trong khi đó, hiện tại VAS vẫn rất hạn chế trong việc đánh giá và ghi nhận theo giá trị hợp lý.
IFRS yêu cầu phân tích và ghi nhận dựa vào nguyên lý "bản chất hơn hình thức" trên hợp đồng, hóa đơn và chứng từ. Để có thể phản ánh đúng bản chất nghiệp vụ, doanh nghiệp cần thông tin đa chiều để phân tích và đưa ra các ước tính và giả định.
Một ví dụ minh họa là một công ty bán một chiếc xe máy với bảo hành 5 năm (thông thường các hãng khác chỉ bảo hành 1 năm), kèm theo đó là các khuyến mãi, dịch vụ hỗ trợ thay phụ tùng miễn phí, phiếu quà tặng 10 đêm nghỉ dưỡng tại một khách sạn trực thuộc tập đoàn. Mặc dù hóa đơn ghi giá bán của chiếc xe là 30 triệu đồng, kế toán không ghi nhận ngay doanh thu là 30 triệu đồng tại thời điểm bàn giao xe và phát hành hóa đơn.
Theo nguyên tắc IFRS, kế toán cần phải xác định các nghĩa vụ thực hiện trong hợp đồng trong giao dịch này bao gồm: chiếc xe máy, dịch vụ bảo hành, phụ tùng thay thế và 10 đêm khách sạn; sau đó dựa trên các giả định và thông tin có được từ thị trường, thống kê số liệu lịch sử,… để tách 30 triệu đồng này phù hợp cho từng nghĩa vụ trong hợp đồng. Doanh thu của từng cấu phần này sẽ được ghi nhận tại thời điểm và thời kỳ phù hợp với bản chất của từng hàng hóa và dịch vụ.
Bên cạnh đó, yêu cầu về trình bày báo cáo tài chính của IFRS cũng chặt chẽ và chi tiết hơn, đòi hỏi phải cung cấp đầy đủ thông tin để người đọc có thể hiểu rõ các giả định được sử dụng, cơ sở các ước tính cũng như bản chất của số dư hoặc khoản mục trọng yếu trên báo cáo tài chính, hoặc các cam kết quan trọng chưa được ghi nhận trong kỳ.
7 lý do doanh nghiệp cần chuyển đổi sang chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS
Lý do 1: Sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế và chuỗi giá trị toàn cầu
Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc hội nhập vào nền kinh tế và chuỗi giá trị toàn cầu trong những năm gần đây. Với vị trí địa lý chiến lược, chi phí lao động cạnh tranh và nền kinh tế định hướng thị trường đang phát triển, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và là nhân tố chính trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam đã tích cực theo đuổi tự do hóa thương mại, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Điều này đã mở ra các cơ hội tiếp cận thị trường mới, tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài và kích thích các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu như điện tử, dệt may và ô tô. Quá trình hội nhập của Việt Nam được đặc trưng bởi sự phát triển của các khu công nghiệp, sự hình thành các cụm công nghiệp và sự xuất hiện của lực lượng lao động lành nghề, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu ở Đông Nam Á.
Việc áp dụng IFRS không chỉ gói gọn vào các công ty con của các tập đoàn đa quốc gia ở Việt Nam mà bắt đầu có ảnh hưởng đến các công ty ở Việt Nam. Trong giai đoạn toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay, thông qua áp dụng IFRS, nền kinh tế Việt Nam nói chung và các DN Việt Nam nói riêng sẽ được hưởng lợi từ hội nhập kinh tế, ví dụ như tiếp cận nguồn vốn, duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển một cách bền vững, phát triển đội ngũ nhân sự kế toán, kiểm toán,…
Việc sử dụng báo cáo tài chính với phương pháp lập và trình bày nhất quán, có thể so sánh được giúp nâng cao vị trí của các doanh nghiệp Việt Nam.
Lý do 2: Lập BCTC theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS phản ánh giá trị hợp lý của doanh nghiệp
Các công ty Việt Nam hiện nay vẫn được áp dụng Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Nhưng việc hiểu biết IFRS giúp chủ doanh nghiệp có cái nhìn tốt hơn về giá trị doanh nghiệp của mình đặc biệt là trong các trường hợp mua bán, sáp nhập, có thêm cổ đông, nhà đầu tư mới.
Cùng với sự gia tăng của các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như phục vụ cho mục tiêu kêu gọi vốn đầu tư, các DN cần có một bản BCTC lập theo IFRS đầy đủ, minh bạch, chính xác và có độ tin cậy cao.
Điều này giúp các thị trường cải thiện khả năng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, và giúp cho nền kinh tế giảm đáng kể chi phí phát hành cổ phiếu, trái phiếu để huy động vốn, do định mức tín nhiệm tăng cao.
Lý do 3: Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS có nhiều hướng dẫn mà VAS và các quy định liên quan chưa có
Hiện nay, nhiều chuẩn mực báo cáo quốc tế không có chuẩn mực VAS tương đương. Ví dụ như các chuẩn mực IAS 19: Quy định phương pháp hạch toán và trình bày các khoản phúc lợi cho người lao động bao gồm các khoản phúc lợi ngắn hạn, dài hạn, trợ cấp thôi việc; IFRS 13: Đo lường giá trị hợp lý;…
Bằng cách áp dụng IFRS, doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận với các hướng dẫn phù hợp. Qua đó, việc lập và trình bày Báo cáo tài chính được chính xác, rõ ràng và minh bạch hơn.
Chuẩn mực Việt Nam sẽ thay đổi theo chiều hướng hội nhập với quốc tế
Để theo kịp tốc độ của kinh tế thế giới và lộ trình áp dụng IFRS, Việt Nam sẽ thực hiện thay đổi các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam. Theo đó, việc áp dụng IFRS sẽ giúp Việt Nam đi đúng hướng với tầm nhìn Việt Nam 2035, các chính sách của ASEAN cũng như theo kịp đà phát triển của những nền kinh tế thành công khác trong khu vực và trên thế giới.
Lý do 4: Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS là ngôn ngữ chính chung được sử dụng toàn cầu
IFRS (Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế) đã nổi lên như là "ngôn ngữ chung" được sử dụng trong thế giới kiểm toán tài chính toàn cầu. Ngôn ngữ chung này cho phép các công ty, kiểm toán viên, nhà đầu tư và cơ quan quản lý giao tiếp và hiểu thông tin tài chính trên cơ sở nhất quán xuyên biên giới. hoạt động thị trường vốn. Nó cho phép các công ty trình bày báo cáo tài chính của họ theo một định dạng chuẩn hóa, giúp các bên liên quan dễ dàng phân tích và so sánh hiệu suất giữa các khu vực pháp lý khác nhau. Kết quả là, IFRS đã trở thành một lực lượng thống nhất, thúc đẩy niềm tin, hiệu quả điện tử và sự hài hòa trong bối cảnh kiểm toán tài chính toàn cầu.
Việc hiểu biết IFRS giúp doanh nghiệp có những thông tin hữu ích về các DN khác trong cùng ngành, có mức độ hoạt động tương đương ở các nước khác. IFRS (International Financial Reporting Standards) được gọi là các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế với mục tiêu đặt ra các quy tắc chung để báo cáo tài chính có thể thống nhất, minh bạch và có thể so sánh trên toàn thế giới. Tạo ra một ngôn ngữ kế toán toàn cầu giúp cho các báo cáo tài chính không còn phân biệt giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, trở nên minh bạch, thống nhất, đáng tin cậy để phân tích và tham khảo.
Chính lẽ đó, việc tại sao áp dụng IFRS tại Việt Nam dường như là một câu chuyện hiển nhiên phải thực hiện, để cùng có tiếng nói chung khi hội nhập kinh tế.
Lý do 5: IFRS phục vụ cho việc hợp nhất Báo cáo tài chính ở công ty mẹ
Riêng đối với DN Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà công ty mẹ sử dụng IFRS thì việc áp dụng IFRS là một yêu cầu bắt buộc nhằm phục vụ cho việc hợp nhất BCTC ở công ty mẹ. Các công ty con áp dụng IFRS sẽ giúp tiết kiệm thời gian chuyển đổi báo cáo sang IFRS, cũng như có những báo cáo được trình bày thống nhất giúp công ty mẹ nhanh chóng nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh của công ty con.
Lý do 6: Giúp tăng cường khả năng so sánh và tính minh bạch của hoạt động BCTC
Việc các BCTC được lập và trình bày dựa trên cùng các chuẩn mực giúp cho báo cáo tài chính không còn phân biệt, có khả năng so sánh, đáng tin cậy. Các BCTC có liên quan, có thể so sánh và phản ánh trung thực tình hình tài chính của tổ chức là điều mà các nhà đầu tư đang tìm kiếm trong việc đưa ra quyết định đầu tư của mình. IFRS giúp đảm bảo tính thống nhất toàn cầu của chuẩn mực BCTC áp dụng cho các tổ chức trên các khu vực pháp lý khác nhau, các quốc gia khác nhau trong việc đo lường, công khai và minh bạch tài chính
Lý do 7: Tăng cường tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên sân chơi quốc tế
Với việc sử dụng chuẩn mực kế toán quốc tế sẽ tạo ra các hoạt động mang tính toàn cầu, lúc này sẽ làm tăng tính cạnh tranh bình đẳng và tăng niềm tin cho các nhà đầu tư trên thị trường.
Báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế cũng cấp thông tin toàn diện, đúng đắn, kịp thời và do đó các doanh nghiệp có thể so sánh được với đối thủ cạnh tranh, từ đó biết được điểm mạnh và điểm yếu so với đối thủ, lúc này DN sẽ tăng cường ưu thế của mình và khắc phục điểm yếu để hoàn thiện hơn, cạnh tranh hơn.
Với nhiều ưu điểm khi áp dụng IFRS như trên, chắc hẳn chúng ta đã hiểu được tại sao phải áp dụng IFRS tại Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam đã và đang có những bước đi tích cực, để sẵn sàng tiến tới áp dụng rộng rãi IFRS. Tuy nhiên, triển khai IFRS là vấn đề không đơn giản và rất quan trọng, nên Việt Nam cần có sự tư vấn, hỗ trợ của IASB và chuyên gia của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế và có những bước giai đoạn chuyển tiếp phù hợp khi áp dụng.
-----------------------------------------------------
RSM Việt Nam là thành viên của Tập đoàn RSM Toàn Cầu - Tập đoàn kiểm toán lớn thứ 6 toàn cầu. Chúng tôi là một công ty kiểm toán được UBCK Nhà nước chấp thuận cung cấp dịch vụ kiểm toán cho toán các công ty niêm yết, công ty đại chúng, quỹ đầu tư và công ty chứng khoán từ những ngày đầu thành lập thị trường (QĐ số 878/QĐ-UBCK). Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán, thuế và tư vấn, RSM Việt Nam hiện là một trong 6 công ty kiểm toán độc lập lớn nhất Việt Nam theo công bố của Hiệp hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA).
Commentaires