top of page

Thanh tra thuế 2022: Những rủi ro thường gặp và công tác chuẩn bị doanh nghiệp cần biết

Công tác thanh tra, kiểm tra thuế được áp dụng khi nào? Rủi ro thường gặp là gì và doanh nghiệp cần biết quy định gì liên quan đến thanh tra thuế?


Các đợt thanh tra thuế năm 2022 đang được triển khai tại các doanh nghiệp. Trước mỗi kỳ kiểm tra này, các doanh nghiệp, đặc biệt là bộ phận kế toán luôn gặp những áp lực nhất định. Bài viết dưới đây là những thông tin về việc doanh nghiệp cần chuẩn bị gì cho cuộc thanh tra thuế của năm 2022. Bài viết dưới đây RSM Việt Nam sẽ chia sẻ với bạn chi tiết thông tin về các chủ đề nói trên.


Thanh tra thuế 2022
Các cuộc thanh tra thuế luôn là nỗi lo lắng của bộ phận kế toán doanh nghiệp

Thanh tra thuế là hoạt động của cơ quan quản lý thuế nhằm đánh giá việc chấp hành pháp luật của người nộp thuế, xác minh và thu thập chứng cứ để xác định hành vi vi phạm pháp luật về thuế dựa trên cơ sở phân tích thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế.


Hoạt động thanh tra thuế trong các lần diễn ra đều khiến doanh nghiệp rơi vào thế bị động, lo lắng xuất phát từ việc không hiểu rõ nội dung mục đích của việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế đối với doanh nghiệp.


Các doanh nghiệp thường nhầm lẫn giữa thanh tra thuế và kiểm tra thuế. Vậy khác nhau như thế nào, trước hết hãy làm rõ qua một số điểm lưu ý dưới đây:


1. Sự khác biệt giữa thanh tra thuế và kiểm tra thuế


Khác nhau về mục đích

  • Kiểm tra thuế: Nhằm đánh giá tính đầy đủ, chính xác của các thông tin, chứng từ trong hồ sơ thuế hoặc đánh giá việc tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế.

  • Thanh tra thuế: Đánh giá việc chấp hành pháp luật của người nộp thuế; xác minh và thu thập, phân tích thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế.


Về thời hạn


Thời hạn kiểm tra thuế:

  • Thời hạn kiểm tra được xác định trong quyết định kiểm tra nhưng không quá 10 ngày làm việc tại trụ sở của người nộp thuế (thời hạn kiểm tra được tính từ ngày công bố quyết định kiểm tra); trường hợp phạm vi kiểm tra lớn, nội dung phức tạp thì người đã quyết định kiểm tra có thể gia hạn 01 lần nhưng không quá 10 ngày làm việc tại trụ sở của người nộp thuế;

  • Lập biên bản kiểm tra thuế trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn kiểm tra.

Thời hạn thanh tra thuế:

  • Cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 90 ngày. Đối với cuộc thanh tra đặc biệt phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá 150 ngày;

  • Cuộc thanh tra do Thanh tra tỉnh, Thanh tra bộ tiến hành không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 70 ngày;

  • Cuộc thanh tra do Thanh tra huyện, Thanh tra sở tiến hành không quá 30 ngày; ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá 45 ngày.


Về phạm vi


Kiểm tra thuế được tiến hành với bất kỳ người nộp thuế nào (Kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế thực hiện thường xuyên đối với các hồ sơ thuế. Kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế thực hiện với các trường hợp:


Người nộp thuế không giải trình, khai bổ sung hồ sơ thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế hoặc giải trình, khai bổ sung không đúng, không chứng minh được số thuế phải nộp, số thuế miễn, giảm, hoàn đúng;


Các trường hợp kiểm tra sau thông quan gồm kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra chọn mẫu, kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu;


Kiểm tra đối với các đối tượng kiểm tra theo tiêu chí đánh giá rủi ro về thuế.


2. Thanh tra thuế được áp dụng khi nào?

  • Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế;

  • Để giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng;

  • Theo yêu cầu của công tác quản lý thuế trên cơ sở kết quả phân loại rủi ro trong quản lý thuế;

  • Theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, kết luận của Thanh tra nhà nước và cơ quan khác có thẩm quyền.

3. Các trường hợp tập trung thanh tra thuế 2022


Trong xu hướng thanh, kiểm tra thuế , có 06 trường hợp doanh nghiệp sẽ được tập trung để thanh, kiểm tra thuế, gồm:

  • Doanh nghiệp chuyển giá

  • Doanh nghiệp phát sinh lỗ

  • Doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế

  • Doanh nghiệp có các khoản chi trả cho tập đoàn

  • Doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử

  • Doanh nghiệp được hoàn thuế GTGT.

4. Các rủi ro thường gặp trong các cuộc thanh tra thuế


Trước khi trả lời cho câu hỏi cần chuẩn bị gì cho cuộc thanh tra thuế, các doanh nghiệp cần biết trước về một số rủi ro dễ gặp trong các kỳ thanh tra thuế để lưu ý và kiểm soát, gồm:


Rủi ro về mặt kỹ thuật


Đây là các rủi ro liên quan đến các quy định thuế - kế toán mà doanh nghiệp chưa kịp cập nhật hoặc chưa hiểu, hiểu nhầm, áp dụng sai.


Rủi ro xuất phát từ đặc thù hoạt động của doanh nghiệp; từ thẩm quyền thanh tra - kiểm tra thuế; từ quy trình thủ tục thanh tra; từ quy trình thủ tục khiếu kiện - khiếu nại;


Rủi ro phi kỹ thuật


Đây là các rủi ro liên quan đến nhân sự phụ trách; phương pháp phối hợp làm việc giữa các bên; cách tiếp cận với từng vấn đề hoặc cơ quan; phương pháp giao tiếp, trao đổi với cơ quan thuế.


5. Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì cho cuộc thanh tra thuế?

Dưới đây là danh sách những việc doanh nghiệp cần làm khi bị thanh tra thuế.


Trước thời điểm thanh tra thuế:

  • Rà soát lại toàn bộ hồ sơ thuế

  • Lưu ý các khía cạnh pháp lý, giấy phép liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp

  • Kê khai điều chỉnh (nếu có) trước khi cuộc thanh, kiểm tra thuế diễn ra

  • Cập nhật thông tin về lý do và chủ đề mà cơ quan thuế sẽ kiểm tra

  • Sắp xếp thời gian để chuẩn bị đầy đủ trước khi thanh, kiểm tra thuế

  • Thông báo tới các bộ phận có liên quan của doanh nghiệp

  • Cân nhắc về việc mới các chuyên gia tư vấn thuế tham gia.

Trong thời gian diễn ra thanh, kiểm tra thuế

  • Chỉ định nhân viên đủ kinh nghiệm làm việc với đoàn thanh, kiểm tra thuế

  • Giữ bình tĩnh giải trình các vấn đề

  • Tránh đối đầu, cố gắng giải quyết để thông qua đối thoại

  • Cân nhắc thương lượng và chấp nhận giải pháp có lợi cho cả hai bên

  • Tham vấn ý kiến của ban lãnh đạo công ty hoặc đơn vị tư vấn hoặc cả hai

  • Thảo luận trước với cán bộ thuế về việc có thể khiếu nại kết quả thanh kiểm tra thuế.

Sau khi kết thúc thanh, kiểm tra thuế

  • Rà soát kỹ lưỡng các “biên bản” và cân nhắc tham khảo ý kiến chuyên gia tư vấn thuế

  • Quyết định những điều chỉnh nào có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận

  • Chuẩn bị ý kiến để đưa vào biên bản và ký biên bản đúng hạn, nộp đơn xin gia hạn

  • Nếu vẫn còn vấn đề tranh chấp, cân nhắc đưa ý kiến bảo lưu trong biên bản

  • Cân nhắc xin hướng dẫn từ Tổng cục Thuế/Bộ Tài chính

  • Khi đã có quyết định của cơ quan thuế, nên nộp tiền thuế truy thu, các khoản phạt trong khi tiến hành thủ tục khiếu nại để tránh lãi phạt chậm nộp

  • Nộp đơn khiếu nại đúng thời hạn (trong vòng 90 ngày cho khiếu nại lần đầu và 30 ngày cho khiếu nại lần 2).

6. Quy định doanh nghiệp cần biết liên quan đến thanh, kiểm tra thuế

Thời hiệu xử lý vi phạm về thuế và chậm nộp thuế


Hoá đơn

2 năm/ 5 năm nếu dẫn đến tới trốn/gian lận/chậm nộp/thiếu thuế

Thủ tục thuế

02 năm (kể từ ngày kế tiếp ngày kết thúc thời hạn phải thực hiện thủ tục thuế theo quy định đến ngày ra quyết định xử phạt)

Khai sai, trốn thuế

05 năm kể từ ngày tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đến ngày ra quyết định xử phạt

Chậm nộp

10 năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm

Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển hồ sơ cho cơ quan thuế

Thời gian cơ quan tố tụng hình sự thụ lý hồ sơ được xem xét tính vào thời hiệu xử phạt hành chính.

Quy định xử phạt vi phạm thuế và chậm nộp thuế

Hành vi

Mức phạt

Ghi chú

Khai sai, khai thiếu phải nộp, tăng số thuế được hoàn

20% số thuế khai sai, khai thiếu hoặc số tiền được hoàn

Không bị xem là trốn thuế, gian lận thuế

Trốn thuế, gian lận thuế

Ít nhất 01 lần số tiền thuế trốn gian lận; Tối đa 03 lần số tiền thuế trốn thuế, gian lận

Tùy thuộc vào số lần vi phạm và tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ

Căn cứ: Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP

309 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN TỪ RSM VIỆT NAM

Bạn mong muốn nhận được tư vấn của đội ngũ chuyên gia RSM Việt Nam, vui lòng gửi câu hỏi tại đây

Gửi thông tin đăng ký thành công. RSM sẽ liên hệ tư vấn cho bạn!

bottom of page