Việc áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) sẽ giúp doanh nghiệp Việt tăng mức độ uy tín và vị thế trên thị trường quốc tế, cũng như gia tăng sức hấp dẫn khi cạnh tranh với doanh nghiệp ở các nền kinh tế khác trên thế giới…
Theo Quyết định số 345/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính (BCTC) tại Việt Nam, lộ trình áp dụng Chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS) sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2022, với giai đoạn 1 áp dụng tự nguyện (2022 - 2025) và sau đó sẽ áp dụng bắt buộc (sau năm 2025).
Đây được xem là cột mốc đánh dấu một bước tiến lớn trên lộ trình chuyển đổi áp dụng IFRS tại Việt Nam. Đây được xem như một tuyên bố chính thức của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về việc ủng hộ IFRS, đưa Việt Nam vào bản đồ các quốc gia và vùng lãnh thổ có áp dụng IFRS.
Theo đó, việc áp dụng IFRS sẽ giúp gia tăng mức độ tin cậy và minh bạch của thị trường Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư. Từ góc độ DN, việc áp dụng và trình bày BCTC theo chính sách kế toán quốc tế sẽ mở rộng cơ hội kinh doanh, nâng cao uy tín, vị thế và sức cạnh tranh của các DN Việt Nam trên trường quốc tế.
Doanh nghiệp phải đối mặt với trở ngại gì khi chuyển đổi sang IFRS?
Trước hết, áp dụng IFRS đòi hỏi cả nhà quản lý và các nhà đầu tư phải có trình độ thích hợp để đọc hiểu các thông tin trên BCTC, từ đó đưa ra các quyết định kinh tế phù hợp.
Trong giai đoạn đầu chuyển đổi, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian và công sức để giải trình các chênh lệch bất thường trên các số liệu đã báo cáo. Việc các Chuẩn mực Kế toán quốc tế (IAS), IFRS thường xuyên được cập nhật, sửa đổi, bổ sung cũng gây khó khăn cho các DN trong việc theo dõi và áp dụng. Đây là vấn đề gần như chưa thể lường trước, có thể gây hao tốn nhiều thời gian và công sức của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, do đặc thù kinh tế, một số thị trường mới mở chưa có thông tin đầy đủ theo yêu cầu của IFRS. Việc xác định chính xác các yếu tố như lãi suất dựa trên hạng tín nhiệm khi áp dụng IFRS cũng là một áp lực lớn khi hệ thống đánh giá xếp hạng tín nhiệm nói chung vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam.
Ngoài ra, áp dụng IFRS đòi hỏi sự linh hoạt theo thiên hướng chủ quan đánh giá của nhà điều hành, trong khi kế toán ở Việt Nam lại bị ảnh hưởng bởi văn hóa khuôn mẫu, nguyên tắc, tuân thủ luật lệ.
Đây cũng là thách thức mà DN cần tìm ra lời giải đáp.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để thành công khi áp dụng IFRS?
Bài toán đầu tiên là hệ thống và quy trình. Một số giải pháp hệ thống hiện tại cho phép DN tuân thủ song song cả hai nguyên tắc kế toán (Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và IFRS). Những khái niệm sổ chính, sổ phụ hay hệ thống sổ song song rất phổ biến trong các giải pháp hệ thống này.
Việc lựa chọn nguyên tắc kế toán nào làm sổ chính và sổ phụ sẽ không làm suy giảm tính tuân thủ nguyên tắc kế toán được lựa chọn, mà chỉ là cách thức hệ thống thiết lập để tạo sự thuận tiện nhất định cho người sử dụng và lập báo cáo. Để đáp ứng IFRS, bên cạnh việc chỉnh sửa quy trình tài chính kế toán, DN phải thẩm định tính tuân thủ của các quy trình sản xuất, kinh doanh khác, ví dụ như quy trình bán hàng và trả hàng, quy trình mua sắm vật tư tài sản… để đảm bảo tính tuân thủ.
Cùng với đó, hệ thống tài khoản cần phải được thiết kế lại để đảm bảo tuân thủ cũng như đáp ứng các yêu cầu quản trị.
Thứ hai là vấn đề nhân sự. Nhân sự kế toán phải nâng cao trình độ năng lực chuyên môn, ngoại ngữ và cần thời gian dài để thích nghi với chuyển đổi IFRS. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng sẵn sàng dành chi phí và thời gian để đào tạo nhân viên.
Thứ ba, các DN thường bị choáng ngợp bởi chi phí bỏ ra mà không nhận ra những lợi ích mà IFRS mang lại. Rào cản về sự gia tăng chi phí trong quá trình chuyển đổi, bao gồm chi phí nâng cấp và thay đổi hệ thống kiểm soát nội bộ, chi phí phát sinh khi phải báo cáo cùng lúc theo hai chuẩn mực kế toán, chi phí đào tạo, cải thiện kỹ năng nguồn nhân lực… khiến nhiều DN chậm trễ trong việc áp dụng IFRS. Thực tế, DN nên xem đây là một khoản đầu tư dài hạn và mang lại lợi ích trong tương lai.
Thứ tư, một quan niệm sai lầm nhưng phổ biến của ban lãnh đạo là cho rằng quá trình chuyển đổi IFRS chỉ thuộc trách nhiệm của bộ phận kế toán/tài chính, do đó các quản lý cấp cao sẽ không tham gia nhiều vào quá trình chuyển đổi. Trong khi đó, IFRS bao gồm các mô hình tính toán phức tạp, các xét đoán mang tính chủ quan, phụ thuộc rất nhiều vào đánh giá của nhà quản lý. Theo đó, việc chuyển đổi này cần được xem như một thay đổi cần thiết trong chiến lược kinh doanh. Các cấp quản lý cần hỗ trợ nhiều hơn để thúc đẩy sự phối hợp với giữa các phòng ban trong DN nhằm tối ưu hóa việc thiết lập và trình bày BCTC.
Comments