top of page

Chi phí lãi vay: Khái niệm và mối quan hệ trong giao dịch liên kết.

Chi phí lãi vay của doanh nghiệp là gì? Khái niệm cơ bản về chi phí lãi vay trong giao dich liên kết. Các doanh nghiệp Việt Nam có đang “hụt hơi” chi trả chi phí lãi vay doanh nghiệp hay không? Tất cả các thông tin trên sẽ được làm rõ trong bài viết dưới đây.


1. Khái niệm về chi phí lãi vay cho doanh nghiệp


Chi phí lãi vay là khoản chi phí phát sinh khi doanh nghiệp đi vay các khoản vay để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm:

  • Lãi tiền vay ngắn hạn, dài hạn;

  • Chi phí tài chính của tài sản thuê tài chính;

Chi phí lãi vay khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp:


Căn cứ vào Điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài Chính quy định:

“2.17. Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.


2.18. Chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ (đối với doanh nghiệp tư nhân là vốn đầu tư) đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp kể cả trường hợp doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh. Chi trả lãi tiền vay trong quá trình đầu tư đã được ghi nhận vào giá trị của tài sản, giá trị công trình đầu tư.


Trường hợp doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ, trong quá trình kinh doanh có khoản chi trả lãi tiền vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.


Chi trả lãi tiền vay tương ứng với vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được xác định như sau:

Trường hợp số tiền vay nhỏ hơn hoặc bằng số vốn điều lệ còn thiếu thì toàn bộ lãi tiền vay là khoản chi không được trừ.


Trường hợp số tiền vay lớn hơn số vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn:

  • Nếu doanh nghiệp phát sinh nhiều khoản vay thì khoản chi trả lãi tiền vay không được trừ bằng tỷ lệ (%) giữa vốn điều lệ còn thiếu trên tổng số tiền vay nhân (x) tổng số lãi vay

  • Nếu doanh nghiệp chỉ phát sinh một khoản vay thì khoản chi trả lãi tiền không được trừ bằng số vốn điều lệ còn thiếu nhân (x) lãi suất của khoản vay nhân (x) thời gian góp vốn điều lệ còn thiếu”.

Như vậy, trường hợp doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ sẽ được tính toàn bộ chi phí lãi vay là chi phí được trừ. Tuy nhiên nếu tồn quỹ tiền mặt trên sổ sách của doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp không chứng minh được doanh nghiệp có dự án, hợp đồng cần huy động vốn lớn thì chi phí lãi vay cơ quan thuế có thể loại khỏi chi phí được trừ.


Chi phí lãi vay doanh nghiệp trong giao dich liên kết

2. Chi phí lãi vay trong giao dịch liên kết


Căn cứ Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 quy định:


“3. Tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:

  • Tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.

  • Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a khoản này được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm a khoản này. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.


Quy định tại điểm a khoản này không áp dụng với các khoản vay của người nộp thuế là tổ chức tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng; tổ chức kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm; các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên và dự án phúc lợi công cộng khác).


Như vậy, trường hợp doanh nghiệp có quan hệ liên kết phát sinh giao dịch vay với bên liên kết, chi phí lãi vay bị khống chế không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.


3. Doanh nghiệp có đang hụt hơi vì chi phí lãi vay?


Khi đề cập đến giao dịch liên kết hầu hết mọi người sẽ nghĩ đến hoạt động chuyển giá và quan niệm cho rằng giao dịch liên kết chỉ liên quan đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).


Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước hoạt động bằng vốn vay ngân hàng, với mức vốn vay lớn hơn nhiều lần vốn chủ sở hữu nên nhiều doanh nghiệp được xác định có mối quan hệ giao dịch liên kết, khi vốn vay ngân hàng vượt 25% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn.


Các doanh nghiệp được xác định có mối quan hệ liên kết và phát sinh giao dịch liên kết khi vay vốn thì doanh nghiệp phải xác định chi phí lãi vay được trừ trong kỳ tính thuế không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp nộp thuế.


Đồng thời phần lãi vay không được trừ sẽ chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo, thời gian chuyển liên tục không quá 5 năm. Nội dung này thường được gọi là chi phí lãi vay của doanh nghiệp có quan hệ liên kết không vượt quá 30% EBITDA (Earning before interest, depreciation) trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp.


Mặc khác, nếu EBITDA doanh nghiệp bị âm (tức doanh nghiệp hoạt động bị lỗ) thì toàn bộ chi phí lãi vay sẽ không được chiết trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, đây là điểm doanh nghiệp Việt Nam "hụt hơi" trong chi phí đi vay. Với quy định này thì góc độ về thuế chưa quan tâm đến rủi ro trong kinh doanh của doanh nghiệp, tức rủi ro kinh doanh thua lỗ của doanh nghiệp.


Việc xác định các bên có quan hệ liên kết theo quy định về vốn vay giữa doanh nghiệp và ngân hàng chiếm 25% vốn chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay là chưa phù hợp cho doanh nghiệp Việt Nam.


Trong thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất ít doanh nghiệp tồn tại và phát triển dựa hoàn toàn vào vốn chủ sở hữu. Doanh nghiệp có thể huy động vốn vay từ ngân hàng, quỹ tín dụng, các cá nhân… số tiền vay lớn hơn nhiều so với vốn chủ sở hữu nhưng hoàn toàn không có hoạt động chuyển giá. Đồng thời doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam không đủ điều kiện, không đủ lớn để thực hiện chuyển giá.



133 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN TỪ RSM VIỆT NAM

Bạn mong muốn nhận được tư vấn của đội ngũ chuyên gia RSM Việt Nam, vui lòng gửi câu hỏi tại đây

Gửi thông tin đăng ký thành công. RSM sẽ liên hệ tư vấn cho bạn!

bottom of page