top of page

Bản tin thuế tổng hợp tháng 2/2022

RSM Việt Nam kính gửi Quý khách hàng bản tin nhanh Thuế tổng hợp tháng 2/2022. Các thông tin được cập nhật trong bản tin lần này bao gồm: Nghị định 15/2022/NĐ-CP hướng dẫn giảm thuế Giá trị gia tăng (VAT) xuống 8% với một số hàng hoá, dịch vụ. Nghị quyết 40/2021/QĐ-TTg về quỹ hỗ trợ việc làm nước và một số thông tin khác.

CQ ban hành: Chính Phủ


Hiệu lực: 01/02/2022


NGHỊ ĐỊNH 15/2022/NĐ-CP HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN GIẢM THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (“GTGT”) XUỐNG 8% VỚI MỘT SỐ HÀNG HÓA, DỊCH VỤ


Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong nghị định này, Chính phủ đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục để thực hiện việc giảm thuế suất thuế GTGT, đồng thời chỉ rõ các mặt hàng không thuộc đối tượng áp dụng giảm thuế, trả lời phần lớn các câu hỏi của các Doanh nghiệp đối với vấn đề thực hiện giảm thuế ra sao.


Cụ thể, nghị định đưa ra thủ tục thực hiện của các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT như quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 khi lập hóa đơn GTGT.

Ngoài ra, tại phụ lục 1,2,3 của nghị định này có quy định rõ các mặt hàng không được giàm thuế GTGT. Cụ thể, các phụ lục chia ra thành 7 cấp, tên, nội dung và mã HS về các danh mục hàng hóa, dịch vụ. Do đó, Doanh nghiệp có thể dễ dàng theo dõi và đánh giá xem hàng hóa, dịch vụ của Doanh nghiệp mình có thuộc đối tượng được áp dụng giảm thuế hay không.


Bên cạnh đó, Nghị định cũng hướng dẫn định nghĩa và điều kiện để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ.


CQ ban hành: Thủ tướng Chính Phủ


Hiệu lực: 21/02/2022


QUYẾT ĐỊNH 40/2021/QĐ-TTg VỀ QUỸ HỖ TRỢ VIỆC LÀM NGOÀI NƯỚC


Ngày 31/12/2021, Thủ tướng ban hành Quyết định 40/2021/QĐ-TTg về Tăng mức hỗ trợ NLĐ bị tai nạn ở nước ngoài về nước trước hạn.

- Theo đó, hỗ trợ người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp nước ngoài. Mức hỗ trợ: từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng/trường hợp. (Trước đó , mức hỗ trợ tối đa 5.000.000 đồng/trường hợp).

- Người lao động hoặc người được người lao động ủy quyền hoặc người đại diện theo pháp luật của người lao động gửi giấy đề nghị hỗ trợ kèm theo 01 bộ hồ sơ đến Cơ quan điều hành Quỹ. Hồ sơ gồm:

  • Bản sao văn bản thanh lý hợp đồng ký giữa doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa đi và người lao động, nêu rõ lý do về nước trước thời hạn; không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài;

  • Hoặc văn bản thông báo của người sử dụng lao động về việc chấm dứt hợp đồng đối với người lao động vì các lý do nêu trên;

  • Bản sao giấy khám sức khỏe của người lao động hoặc giấy tờ khác chứng minh tình trạng bệnh tật, thương tật do cơ quan y tế nước sở tại cấp;

  • Bản sao hộ chiếu của người lao động;

  • Văn bản ủy quyền (ghi rõ nội dung ủy quyền) hoặc giấy tờ chứng minh quyền đại diện theo pháp luật theo quy định trong trường hợp người được ủy quyền hoặc người đại diện theo pháp luật nộp hồ sơ.


CQ ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội


Hiệu lực: 20/02/2022


THÔNG TƯ 36/2021/TT-BLĐTBXH QUY ĐỊNH MỨC ĐIỀU CHỈNH TIỀN LƯƠNG VÀ THU NHẬP THÁNG ĐÃ ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI


Từ 01/01/2022, tiền lương tháng đã đóng BHXH đối với NLĐ đóng BHXH bắt buộc quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH được điều chỉnh theo công thức sau:


Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm x Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng.


Trong đó, tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH quy định cụ thể về mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng từ trước năm 1995 đến năm 2022, đơn cử:

  • Trước năm 1995: 5,10 (tăng 0,09 so với mức điều chỉnh của năm 2021);

  • Năm 1995: 4,33 (tăng 0,08 so với mức điều chỉnh của năm 2021);

  • Năm 1996: 4,09 (tăng 0,07 so với mức điều chỉnh của năm 2021);

  • Năm 1997: 3,96 (tăng 0,07 so với mức điều chỉnh của năm 2021);

  • Năm 1998: 3,68 (tăng 0,07 so với mức điều chỉnh của năm 2021);

  • Năm 1999: 3,53 (tăng 0,07 so với mức điều chỉnh của năm 2021);

  • Năm 2000: 3,58 (tăng 0,06 so với mức điều chỉnh của năm 2021);

  • Năm 2022: 1,00;...

Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 20/02/2022 và thay thế Thông tư 23/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020.


CQ ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội


Hiệu lực: 01/02/2022


THÔNG TƯ 18/2021/TT-BLĐTBXH QUY ĐỊNH VỀ THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM CÁC CÔNG VIỆC SẢN XUẤT CÓ TÍNH THỜI VỤ, CÔNG VIỆC GIA CÔNG THEO ĐƠN ĐẶT HÀNG


Nhằm đưa ra các quy định kịp thời và phù hợp với Bộ Luật Lao động năm 2019 về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi của người lao động cụ thể là đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng, ngày 15/12/2021, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 18/2021/TT-BLĐTBXH, cụ thể:

  • Giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn hằng ngày và giờ làm thêm của người lao động như sau: trong một ngày không quá 12 giờ; trong một tuần không quá 72 giờ; trong một tháng không quá 40 giờ; tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ.

  • Người lao động được nghỉ ít nhất một ngày (24 giờ liên tục) hằng tuần. Đối với những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hằng tuần thì phải bảo đảm hằng tháng có ít nhất 04 ngày nghỉ cho người lao động.

  • Bên cạnh đó, hằng năm, căn cứ vào quỹ thời giờ làm việc tiêu chuẩn trong năm, người sử dụng lao động lập kế hoạch xác định số giờ làm việc tiêu chuẩn hằng ngày của người lao động theo các trường hợp sau: Ngày làm việc có số giờ làm việc tiêu chuẩn là 8 giờ; Ngày làm việc có số giờ làm việc tiêu chuẩn nhiều hơn 8 giờ nhưng không quá 12 giờ; Ngày làm việc có số giờ làm việc tiêu chuẩn nhiều hơn 8 giờ nhưng không quá 12 giờ; cho nghỉ trọn ngày.

Như vậy, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần của lao động thời vụ, lao động gia công theo đơn đặt hàng sẽ được tăng thêm đến 08 giờ/tuần; tổng số giờ làm thêm trong một tháng tăng thêm đến 08 giờ/tháng.


CQ ban hành: Tổng cục Thuế


Hiệu lực: 09/02/2022


CÔNG VĂN 347/TCT-DNNCN CỦA TỔNG CỤC THUẾ BAN HÀNH NGÀY 9/2/2022 HƯỚNG DẪN THANH TOÁN ĐỐI VỚI ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ


Trước những vướng mắc về chính sách cũng như thủ tục trong thanh toán đối với hệ thống điện mặt trời của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), ngày 9/2/2022, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 347/TCT-DNNCN hướng dẫn xử lý theo quy định hiện hành.


Về vấn đề này, Tổng cục Thuế cho biết, trước đó cơ quan này đã có một số văn bản trả lời cho các trường hợp cụ thể như Công văn số 5162/TCT-DNL ngày 11/12/2019 về chính sách thuế đối với dự án điện mặt trời trên mái nhà; Công văn số 1840/TCT-CS ngày 31/5/2021 về việc mua, bán điện mặt trời mái nhà.

  • Đối tượng cấp hóa đơn theo từng lần phát sinh: tổ chức thuộc được phép bán điện thì phải đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế hướng dẫn tổ chức cá nhân thực hiện xuất hóa đơn theo quy định; tổ chức được Nhà nước giao đất để sử dụng cho mục đích hoạt động bệnh viện, trường học, cơ sở thờ tự, cơ quan hành chính sự nghiệp... có lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để sử dụng và nếu phát sinh điện dôi dư phải bán lại cho EVN theo hợp đồng đã ký kết, cần hóa đơn để giao cho EVN thì cơ quan thuế cấp hóa đơn theo từng lần phát sinh theo quy định.

  • Về giá trị ghi trên hóa đơn là giá theo hợp đồng nhân với tỷ lệ % tính thuế GTGT (3%).


CQ ban hành: Tổng cục Hải Quan


Hiệu lực: 18/02/2022


​CÔNG VĂN 521/TCHQ-TXNK – THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 15/2022/NĐ-CP


Ngày 18/02/2022, Tổng cục Hải quan có Công văn 521/TCHQ-TXNK hướng dẫn thực hiện Nghị định 15/2022/NĐ-CP về giảm thuế GTGT.

Cụ thể, trường hợp hàng hóa tại Phụ lục I và Phụ lục III (kèm theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP) xác định mã số HS là:

  • Chương (02 chữ số), không chi tiết nhóm (04 chữ số), phân nhóm (06 chữ số) hoặc mã số (08 chữ số) thì toàn bộ mã hàng 08 chữ số thuộc chương đó áp dụng thuế GTGT 10%;

  • Chương (02 chữ số), có chi tiết đến nhóm (04 chữ số), không chi tiết phân nhóm (06 chữ số) hoặc mã số (08 chữ số) thì toàn bộ mã hàng 08 chữ số thuộc nhóm đó áp dụng thuế GTGT 10%;

  • Chương (02 chữ số), có chi tiết đến phân nhóm (06 chữ số), không chi tiết mã số (08 chữ số) thì toàn bộ mà hàng 08 chữ số thuộc phân nhóm đó áp dụng thuế GTGT 10%.

  • Chương (02 chữ số), có chi tiết đến mà HS 08 chữ số thì chi mã hàng 08 chữ số đó áp dụng thuế GTGT 10%.



CQ ban hành: Cục Thuế Thành phố Hà Nội


Hiệu lực: 28/01/2022


​CÔNG VĂN SỐ 4251/CTHN-TTHT HƯỚNG DẪN VỀ HÓA ĐƠN CHỨNG TỪ


Nhằm giải đáp những vướng mắc của Công văn số 2312/2021/CV-RUBY ngày 28/01/2022, Cục thuế Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 4251/CTHN-TTHT. Theo đó, Công văn đã giải đáp các vấn đề như sau:

- Trường hợp Công ty sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

- Đồng tiền ghi trên hóa đơn được thực hiện theo quy định tại điểm c Khoản 13 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

  • Trường hợp nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật về ngoại hối thì đơn giá, thành tiền, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền thanh toán được ghi bằng ngoại tệ, đơn vị tiền tệ ghi tên ngoại tệ. Người bán đồng thời thể hiện trên hóa đơn tỷ giá ngoại tệ với đồng Việt Nam theo tỷ giá theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành;

  • Mã ký hiệu ngoại tệ theo tiêu chuẩn quốc tế;

  • Trường hợp bán hàng hóa phát sinh bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật về ngoại hối và được nộp thuế bằng ngoại tệ thì tổng số tiền thanh toán thể hiện trên hóa đơn theo ngoại tệ, không phải quy đổi ra đồng Việt Nam.


CQ ban hành: Tổng cục thuế


Hiệu lực: 09/02/2022


CÔNG VĂN 346/TCT-DNNCN CỦA TỔNG CỤC THUẾ BAN HÀNH NGÀY 9/2/2022 HƯỚNG DẪN KHAI THUẾ THAY, NỘP THUẾ THAY ĐỐI VỚI KHOẢN THƯỞNG KHUYẾN MẠI, CHIẾT KHẤU THƯƠNG MẠI CHO HỘ KHOÁN


Nhận được nhiều thắc mắc về việc kê khai, nộp thuế thay đối với các khoản thưởng khuyến mại, chiết khấu thương mại cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, ngày 9/2/2022, Tổng cục thuế ban hành Công văn 346/TCT-DNNCN, hướng dẫn như sau:

  • Về khoản chiết khấu thương mại, Khi Công ty sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và chăn nuôi thực hiện việc chiết khấu thương mại cho khách hàng là hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán mua hàng với khối lượng lớn, bao gồm cả trường hợp hộ kinh doanh ngành nghề sản xuất (mua thức ăn gia súc, gia cầm để chăn nuôi, không bán lại và không thuộc diện được miễn thuế theo quy định đối với hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp) thì Công ty chỉ thực hiện khai thay, nộp thay thuế TNCN cho hộ khoán theo mức thuế suất thuế TNCN 0,5%.

  • Về khoản khuyến mại, trường hợp tổ chức thực hiện chương trình khuyến mại đúng quy định của Luật thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005, hiện vật hộ khoán nhận được vượt trên 10 triệu đồng thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân từ trúng thưởng. Cùng với đó, tổ chức chi trả thưởng từ khuyến mại phải thực hiện việc khấu trừ thuế theo hướng dẫn tại các quy định nêu trên của Bộ Tài chính.



216 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN TỪ RSM VIỆT NAM

Bạn mong muốn nhận được tư vấn của đội ngũ chuyên gia RSM Việt Nam, vui lòng gửi câu hỏi tại đây

Gửi thông tin đăng ký thành công. RSM sẽ liên hệ tư vấn cho bạn!

bottom of page