Kiểm toán nội bộ có thể hỗ trợ những gì cho việc xây dựng một môi trường quản trị doanh nghiệp hiệu quả? Kiểm toán nội bộ là một cấu phần rất quan trọng trong việc xây dựng môi trường quản trị công ty hiệu quả. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ ràng rằng, trách nhiệm chính trong việc xây dựng và duy trì một môi trường quản trị công ty hiệu quả phải xuất phát từ lãnh đạo đơn vị, cụ thể là hội đồng quản trị và ban điều hành. Kiểm toán nội bộ đóng vai trò là một bộ phận giám sát độc lập, khách quan các quy trình hoạt động và đưa ra ý kiến đánh giá về môi trường quản trị công ty. Việc giám sát và đánh giá này chính là hỗ trợ cho lãnh đạo đơn vị trong việc xây dựng và duy trì một môi trường quản trị công ty hiệu quả.
Vai trò của kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp
Theo Chuẩn mực 2110 - Quản trị của Hiệp hội Kiểm toán nội bộ (IIA), hoạt động kiểm toán nội bộ đánh giá và đưa ra các khuyến nghị phù hợp để cải thiện quy trình quản trị, bao gồm các quy trình:
(1) Đưa ra các quyết định chiến lược và hoạt động của đơn vị;
(2) Giám sát việc kiểm soát và quản trị rủi ro;
(3) Nâng cao các giá trị và đạo đức trong đơn vị;
(4) Đảm bảo trách nhiệm giải trình và quản lý hiệu quả hoạt động của tổ chức được thực hiện hiệu quả;
(5) Thông tin về rủi ro và kiểm soát đến các đối tượng phù hợp trong tổ chức;
(6) Điều phối hoạt động và truyền đạt thông tin rõ ràng giữa cấp lãnh đạo, cấp quản lý, kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập.
Làm thế nào để Kiểm toán nội bộ mang lại hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp?
Cấp lãnh đạo đơn vị có thể xem xét các gợi ý sau để có thể xác định được cách thức sử dụng hiệu quả nhất chức năng kiểm toán nội bộ nhằm cải thiện các quy trình quản trị, kiểm soát và quản lý rủi ro:
Một là, tối ưu hóa nguồn lực kiểm toán nội bộ như là một phần trong quy trình quản lý rủi ro, quản trị điều hành. Qua đó, doanh nghiệp có thể nhận diện và xây dựng các kế hoạch xử lý, quản lý hiệu quả các rủi ro trọng yếu cản trở việc đạt được mục tiêu đề ra của đơn vị.
Hai là, đưa ra các ý kiến đóng góp quan trọng cho kiểm toán nội bộ khi lập kế hoạch kiểm toán hàng năm và các thay đổi của kế hoạch trong năm nhằm tập trung kịp thời nguồn lực vào các vùng rủi ro trọng yếu.
Ba là, trao đổi và triển khai các kế hoạch dành cho kiểm toán nội bộ để hỗ trợ vấn đề tuân thủ các yêu cầu của pháp luật và quy định dành cho kiểm toán nội bộ nói riêng và toàn đơn vị nói chung.
Bốn là, cân nhắc sử dụng chức năng kiểm toán nội bộ như một chương trình đào tạo quản trị viên cho đơn vị. Đồng thời, xem xét bổ nhiệm các thành viên kiểm toán trưng dụng tạm thời (các nhân viên từ các bộ phận, phòng ban khác trong tổ chức) vào đội kiểm toán để thực hiện kiểm toán chéo cho nhau hoặc luân chuyển nhân viên sang kiểm toán nội bộ trong thời gian ngắn để các nhân viên có cơ hội học hỏi và nâng cao kiến thức về hoạt động của đơn vị, rủi ro, kiểm soát và quản trị doanh nghiệp.
Năm là, đánh giá và thảo luận với kiểm toán nội bộ để bổ sung nguồn nhân lực và kỹ năng cần thiết.
Sáu là, hỗ trợ và động viên các nỗ lực và giá trị của kiểm toán nội bộ để nâng cao vị thế của kiểm toán nội bộ, đồng thời thiết lập tôn chỉ lãnh đạo về kiểm toán nội bộ, rủi ro và kiểm soát một cách toàn diện trên toàn tổ chức.
Bảy là, xem xét đầu tư và ứng dụng công nghệ (ví dụ như phân tích dữ liệu lớn) để hỗ trợ và tối ưu hiệu quả kiểm toán, tiết kiệm được thời gian và công sức thực hiện kiểm toán.
Comentarios