Trong thời điểm đại dịch xảy ra, khi một số nền kinh tế gặp khó khăn và phải đối mặt với suy thoái, Việt Nam vẫn có khả năng phục hồi với mức tăng trưởng 2,9% vào năm 2020 - một trong những tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới. Theo đánh giá hàng năm gần đây của IMF, chính các nền tảng kinh tế chắc chắn, các biện pháp ngăn chặn quyết liệt và sự hỗ trợ có mục tiêu rõ ràng của chính phủ đã giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua cơn bão Covid 19.
Tác động của COVID-19 và phản ứng của chính sách
Khi đại dịch ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, dường như suy thoái là điều khó tránh khỏi, đặc biệt đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đạt điểm số khả năng phục hồi là 74,3 trên 100, vượt trội hơn so với nhiều nền kinh tế lớn mạnh nhất thế giới bao gồm Singapore, Đức, Mỹ và Anh. Việc áp dụng nhanh chóng các biện pháp tích cực ngăn chặn, truy vết tiếp xúc, kiểm tra và cách ly kịp thời các trường hợp nghi ngờ COVID-19, đã dẫn đến tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong tính theo đầu người thấp đáng kể. Nhờ sự hỗ trợ chính sách và ngăn chặn dịch lây lan thành công, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,9% khi các hoạt động trong nước nhanh chóng phục hồi và giá trị xuất khẩu tăng lên.
10 nền kinh tế có hoạt động tốt nhất trong bảng xếp hạng phục hồi 2020 (theo Bloomberg)
Mặc dù nền kinh tế có tín hiệu tốt trong năm 2020 nhưng sự phục hồi bền vững cũng phụ thuộc vào sự ổn định tài chính. Doanh nghiệp vừa và nhỏ là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, khi họ bước vào khủng hoảng với tình hình tài chính tương đối yếu kém. COVID-19 đã làm cho tính thanh khoản và khả năng thanh toán của các doanh nghiệp này bị suy giảm, dẫn đến lo ngại về sự ổn định tài chính bởi các khoản nợ ngân hàng. Chính phủ đã thực hiện các chính sách tiền tệ, tài khóa và tài chính để giúp loại bỏ nguy cơ tức thời của làn sóng sa thải hàng loạt.
Mặc dù GPD của Việt Nam đã tăng 2,9% trong năm 2020 nhưng điều đáng chú ý đây là tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong một thập kỷ. Điều này phản ánh tác động tiêu cực của COVID 19 đối với nền kinh tế. Hoạt động kinh tế bị giảm sút nghiêm trọng khi các biện pháp hạn chế di chuyển được thực hiện. Các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể đến nhà hàng, khách sạn, bán lẻ, vận tải và sản xuất công nghệ thấp. Trong tháng 5, hoạt động trong nước phục hồi nhẹ khi nhiều doanh nghiệp mở cửa trở lại và lĩnh vực bán lẻ có khởi sắc, tuy nhiên, nhu cầu về dịch vụ vẫn ở mức thấp. Xuất khẩu giảm đáng kể trong quý II do nhu cầu từ nước ngoài giảm và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, tuy nhiên, đã phục hồi nhờ triển vọng từ nước ngoài được cải thiện. Xuất khẩu thiết bị y tế và bảo hộ cũng như đồ gia dụng điện tử tăng mạnh. Do giá cả hàng hóa giảm và nhu cầu cá nhân giảm nên nhập khẩu hàng hóa vẫn ở mức thấp. Tăng trưởng tín dụng đã tăng lên 12% trong tháng 12, từ mức 8,8% trong tháng 5.
Thị trường lao động bị ảnh hưởng đáng kể do tốc độ tăng trưởng chậm lại. Đại dịch đã có tác động tiêu cực lên lực lượng lao động khi làm suy giảm công việc toàn thời gian và cắt giảm tiền lương cũng như giờ làm việc. Lực lượng lao động giảm 4,2% trong quý II, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong 5 năm trước khi có sự phục hồi nhẹ. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng lên 81%, phần nào được bù đắp bởi sự gia tăng 25% trong số lượng các doanh nghiệp bắt đầu nối lại hoạt động. Điều này cho thấy tín hiệu tốt trong việc phục hổi kinh doanh.
Dự kiến phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021
Mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ nhưng nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021. Dự kiến tăng trưởng kinh tế sẽ lên mức 6,5% khi các hoạt động kinh tế tiếp tục được bình thường hóa, các doanh nghiệp phục hồi và tiêu dùng cá nhân cũng như đầu tư kinh doanh tăng lên. Hoạt động sản xuất và bán lẻ được kì vọng sẽ phục hồi nhanh nhất, trong khi các dịch vụ du lịch và khách sạn sẽ vẫn còn yếu. Xuất khẩu ròng sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế khi nhu cầu từ nước ngoài tăng lên. Do sự gián đoạn đối với hoạt động trong nước và thị trường lao động, những tổn thất về kinh tế được dự báo sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng do việc phân bổ lại lao động diễn ra chậm chạp và dòng vốn vẫn nhàn rỗi trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Kế hoạch của nhà nước nhằm giảm thâm hụt ngân sách xuống 3% GDP trong trung hạn sẽ giúp hỗ trợ các vùng đệm tài khóa. Cơ quan chức năng sẽ chú trọng vào các chính sách tài khóa thận trọng nhằm cân bằng tính bền vững tài khóa cho hỗ trợ tăng trưởng. Các cơ quan chức năng cũng đồng tình với sự cần thiết phải cải thiện việc thực hiện các chính sách hỗ trợ khi tỷ lệ giải ngân đầu tư công và các chương trình an sinh xã hội được mở rộng. Dựa trên dự báo về sự bất ổn của tình hình đại dịch, chính sách tài khóa nên được điều chỉnh theo tốc độ phục hồi, tuy nhiên, việc thực hiện cần thận trọng hơn để tránh làm cạn kiệt nguồn chính sách. Cần lưu ý rằng chiến lược quản lý thuế 2021-30 sẽ góp phần huy động nguồn thu trong trung hạn và các chính sách nâng cấp thuế đang trong quá trình nghiên cứu. Mức trần nợ công sửa đổi dưới 65% GDP cho giai đoạn 2021-25 hiện đang được xem xét và được đánh giá là thận trọng hơn dựa trên GDP gần đây.
Comments