top of page

RSM Việt Nam: Bản tin nhanh thuế 15/7/2021

Cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (viết tắt là “APA”) đã là xu thế chung mà cơ quan Thuế các nước đều đang áp dụng hiệu quả để quản lý nguồn thu từ các giao dịch xuyên biên giới. Đồng thời, xét về nguyên tắc, cơ chế này cũng sẽ mang lại lợi ích cho cả người nộp thuế và là cầu nối để Việt Nam hòa nhập với xu thế chung về thuế quốc tế trên thế giới. Mặt khác, cơ chế APA được quy định là một cơ chế tự nguyện, được thực hiện trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế, xác lập dựa trên các thông tin dự kiến, kế hoạch của người nộp thuế.


Theo đó, APA cũng sớm bắt đầu được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2014 theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 và được hướng dẫn tại Thông tư số 201/2013/TT-BTC. Trong quá trình thực hiện cũng đã có những vướng mắc, vì vậy, việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 45/2021/TT-BTC ngoài việc kế thừa các nội dung tại Thông tư 201/2013/TT-BTC đồng thời sửa đổi, cập nhật một số nội dung cho phù hợp với thực tế triển khai cơ chế này tại Việt Nam.


Đối tượng áp dụng của Thông tư này là:

Tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai, thực hiện giao dịch với các bên có quan hệ liên kết và có đề nghị với cơ quan thuế về việc áp dụng APA; Các bên có quan hệ liên kết được quy định tại Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ- CP.


Một số điểm chính cần lưu ý:

Giao dịch được đề nghị áp dụng APA Là các GDLK được quy định tại Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP và phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

1. Giao dịch thực tế đã phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế và sẽ tiếp tục diễn ra trong giai đoạn đề nghị áp dụng APA.

2. Giao dịch có cơ sở để xác định được bản chất giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế và có cơ sở để phân tích, so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, dựa trên các thông tin, dữ liệu tuân thủ quy định tại Điểm b, Khoản 6 Điều 42 Luật Quản lý thuế.

3. Giao dịch không thuộc trường hợp có tranh chấp, khiếu nại về thuế.

4. Giao dịch được thực hiện minh bạch, không nhằm mục đích trốn, tránh thuế hoặc lợi dụng Hiệp định thuế.


Hiệu lực của APA

APA đã ký kết sẽ có hiệu lực thi hành bắt buộc với cơ quan thuế và người nộp thuế.

Thời gian có hiệu lực của APA đã ký kết tối đa là 03 năm tính thuế nhưng không vượt quá số năm thực tế người nộp thuế đã hoạt động sản xuất kinh doanh và kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam.


Ngoài các điểm chính nêu ở trên, Thông tư này còn bao gồm một số nội dung cần chú ý sau đây:

Nguyên tắc áp dụng APA

APA được áp dụng trên nguyên tắc cơ quan thuế và người nộp thuế hoặc cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế đối tác và người nộp thuế cùng hợp tác, trao đổi, đàm phán thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các GDLK.


Đề nghị áp dụng APA của người nộp thuế được giải quyết trên cơ sở hồ sơ với các tài liệu, thông tin cần thiết theo quy định tại Khoản 3, Điều 41 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP do người nộp thuế cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực, kịp thời.


Việc phân tích, so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập và phương pháp được sử dụng để so sánh, xác định giá của GDLK thuộc phạm vi áp dụng của APA được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 132/2020/NĐ- CP.


Hồ sơ, thông tin và dữ liệu sử dụng

  • Hồ sơ đề nghị áp dụng APA thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 41 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

  • Hồ sơ đề nghị áp dụng APA được thể hiện bằng tiếng Việt;

  • Trường hợp hồ sơ đề nghị áp dụng APA song phương hoặc đa phương thì có thêm bản tiếng Anh.

  • Người nộp thuế đóng dấu xác nhận và chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch.

  • Người nộp thuế chịu trách nhiệm về tính đồng nhất của nội dung giữa hồ sơ nộp cho cơ quan thuế Việt Nam và hồ sơ do bên liên kết thuộc phạm vi đề nghị áp dụng APA nộp cho cơ quan thuế đối tác (nếu có).

Ngoài ra, thông tư 45/2021/TT-BTC cũng quy định chi tiết về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người nộp thuế và cơ quan thuế trong việc ký kết APA.

Trong quá trình thực hiện, nếu Quý Doanh nghiệp có vướng mắc xin vui lòng liên hệ với RSM để được hỗ trợ.


22 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN TỪ RSM VIỆT NAM

Bạn mong muốn nhận được tư vấn của đội ngũ chuyên gia RSM Việt Nam, vui lòng gửi câu hỏi tại đây

Gửi thông tin đăng ký thành công. RSM sẽ liên hệ tư vấn cho bạn!

bottom of page