top of page

Những sai sót thường gặp trong công tác kế toán

Trong công tác kế toán thường xảy ra những sai sót không đáng có, chúng tôi muốn qua bài viết này tổng hợp các sai sót trong kế toán để các kế toán viên có thể rút kinh nghiệm trong công việc.


Kế toán thuế không còn xa lạ gì đối với bất kì doanh nghiệp nào, vì dù doanh nghiệp đó lớn hay nhỏ thì cũng phải thực hiện công việc kế toán thuế. Vì vậy, khi doanh nghiệp được thành lập thì bắt buộc phải có bộ phận kế toán thuế để cho doanh nghiệp của mình đi vào hoạt động và tồn tại lâu dài trong sự quản lý của pháp luật.


Như vậy, kế toán thuế chính là kế toán phụ trách về các vấn đề liên quan đến khai báo thuế trong doanh nghiệp. Bộ phận kế toán thuế là nghĩa vụ bắt buộc của các doanh nghiệp đối với nhà nước. Nhờ có kế toán thuế mà nhà nước có thể quản lý được nền kinh tế nhiều thành phần một cách đơn giản và dễ dàng nhất. Ngược lại, khi doanh nghiệp báo cáo thuế thì sẽ giúp công việc kinh doanh ổn định và báo cáo thuế sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi thực hiện đầy đủ các vấn đề về thuế rõ ràng.


Công việc kế toán thuế luôn đòi hỏi một sự chính xác, một sự cẩn thận, chi tiết vì phải làm việc với nhiều số liệu và hóa đơn, chứng từ kế toán. Trong quá trình làm việc, nhân viên kế toán thuế rất dễ mắc phải sai lầm nếu như không tập trung, đặc biệt với những sinh viên mới vào nghề. Vì vậy, doanh nghiệp cần lưu ý trong quá trình tuyển chọn nhân viên kế toán nhằm tránh những sai lầm cơ bản để giúp công việc kế toán thuế diễn ra thuận lợi.



Về hồ sơ với khách hàng


Khách hàng của một đơn vị kinh doanh thì thông thường là người mua, hay là đối tượng đầu ra của một hóa đơn chứng từ. Do đó các khoản chi phí phát sinh với khách hàng cần phải ghi lại thật chính xác, quan trọng hơn hết trong việc hạch toán chính là phải xem xét các khoản thu về đối với khách hàng đã chính xác hay chưa.


Việc mở mã khách hàng theo dõi trên phần mềm kế toán không được đồng nhất, dẫn đến tình trạng một khách hàng có thể được mở thành nhiều mã. Hoặc việc hạch toán công nợ bị lẫn từ mã khách hàng này sang khách hàng khác.


Về hồ sơ với nhà cung cấp


Doanh nghiệp mua hàng từ các nhà cung cấp bao gồm cả trong và ngoài nước, nhưng có những kế toán chỉ ý thức rằng hồ sơ chứng từ có hóa đơn và giấy thanh toán tiền là đầy đủ. Việc hiểu như vậy dẫn đến những sai lầm không đáng có và gặp nhiều khó khăn trong quá trình quyết toán thuế.


Như vậy, ngoài hóa đơn mua hàng thì kế toán cần chú ý lưu giữ các chứng từ khác như: hợp đồng, tờ khai hải quan, biên bản bàn giao, packing list,….


Sai sót liên quan đến bảng cân đối kế toán, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, kết quả hoạt động kinh doanh là những lỗi thường có trong báo cáo tài chính.


Báo cáo tài chính là bức tranh phản ánh “sức khoẻ” của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vô tình hay hữu ý, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tuân thủ đầy đủ các quy định trong chuẩn mực kế toán và các văn bản pháp lý có liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính, dẫn đến báo cáo tài chính cung cấp cái nhìn sai lệch hoặc không đầy đủ cho người đọc.


Có thể chia thành 6 nhóm “sai sót thường gặp” trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp


Nhóm 1: Sai sót về hình thức


Luật kế toán quy định, báo cáo tài chính của đơn vị kế toán phải được tính bằng đồng Việt Nam (VND), nhưng nhiều báo cáo tài chính sử dụng đơn vị tính là nghìn đồng, vừa không phù hợp với quy định tại Luật, vừa gây khó theo dõi cho người đọc. Thậm chí, nhiều báo cáo tài chính khi công bố vẫn thiếu chữ ký của giám đốc, kế toán trưởng, người lập biểu, thiếu thời gian lập.


Nhóm 2: Sai sót liên quan đến bảng cân đối kế toán

  • Trên chỉ tiêu “Tiền và các khoản tương đương tiền”, nhiều doanh nghiệp đã “gom” vào cả những khoản đầu tư có thời hạn trên 3 tháng. Điều này giúp số liệu tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp tăng vọt.

  • Nhiều doanh nghiệp có các khoản đầu tư chứng khoán, nhưng lại không theo dõi chi tiết từng loại chứng khoán đầu tư ngắn/dài hạn đang nắm giữ, dẫn đến việc hạch toán không đúng lãi, lỗ khi bán chứng khoán.

Đối với ghi nhận chi phí trích lập dự phòng,

  • Thủ tục thành lập hội đồng thẩm định mức trích lập các khoản dự phòng cũng không được nhiều doanh nghiệp thực hiện nghiêm, từ đó không trích lập hoặc trích lập không đúng quy định đối với các khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng giảm giá hàng tồn kho…

  • Nhiều doanh nghiệp cũng không dự kiến mức tổn thất để trích lập dự phòng đối với khoản nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán, nhưng tổ chức kinh tế đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể hoặc không thu thập thông tin tài chính trước/sau kiểm toán của các đơn vị, tổ chức nhận đầu tư tài chính dài hạn khác để xem xét sự cần thiết phải trích lập dự phòng.

  • Với hàng tồn kho, khoản mục có giá trị rất lớn trong tổng tài sản của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành xây lắp, nhưng công tác kiểm kê chưa được thực hiện tốt ở thời điểm khóa sổ kế toán lập báo cáo tài chính, khiến con số này không đảm bảo độ tin cậy. Nhiều doanh nghiệp áp dụng phương pháp tính giá hàng tồn kho không nhất quán, không phù hợp với chính sách kế toán công bố

Nhóm 3: Sai sót liên quan đến báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh


Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp là yếu tố chi phối quyết định của nhà đầu tư. Vậy nhưng, vẫn có doanh nghiệp bất động sản áp dụng chuẩn mực về hợp đồng xây dựng (ghi nhận doanh thu theo tiến độ, tương tự nhà thầu xây dựng). Hay có doanh nghiệp ghi doanh thu từ cổ phiếu được nhận không phải trả tiền do công ty cổ phần phát hành thêm cổ phiếu từ thặng dư vốn cổ phần, trả cổ tức bằng cổ phiếu.

  • Với chi phí, nhiều doanh nghiệp thay đổi phương pháp khấu hao khi không có bằng chứng cho thấy có sự thay đổi về cách thức sử dụng và thu hồi tài sản nhằm giảm con số chi phí phải khấu hao trong năm, nhờ vậy, làm tăng lãi/giảm lỗ trên báo cáo tài chính. Thậm chí, chi phí lãi vay không được hạch toán đúng, đủ; ….

Nhóm 4: Sai sót liên quan đến báo cáo lưu chuyển tiền tệ


Các khoản chênh lệch về công nợ phải trả cho mua sắm tài sản cố định và xây dựng cơ bản không được loại trừ khỏi hoạt động kinh doanh. Tương tự với các khoản chênh lệch số dư phải trả tiền vay đang được nhiều doanh nghiệp trình bày khi tính dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, dẫn đến việc tính toán dòng tiền từ hoạt động tài chính sẽ không chính xác.


Nhóm 5: Sai sót liên quan đến thuyết minh báo cáo tài chính


Bản thuyết minh báo cáo tài chính trong nhiều trường hợp không thuyết minh các chỉ tiêu có tính chất trọng yếu theo quy định của chuẩn mực kế toán như khoản đi vay, cho vay có giá trị lớn, phương pháp xác định doanh thu, giá vốn gắn với từng loại hình lĩnh vực kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp, khiến người đọc không có được cái nhìn rõ ràng, chân thực về doanh nghiệp. Thông tin về các bên liên quan không được trình bày, hoặc trình bày không đủ các nội dung theo quy định của chuẩn mực kế toán.


Nhóm 6: Sai sót liên quan đến báo cáo tài chính hợp nhất


Không loại trừ đầy đủ các khoản phải thu, phải trả, đi vay, cho vay, quan hệ giao vốn, doanh thu, giá vốn, lãi lỗ chưa thực hiện liên quan đến các giao dịch cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định của các giao dịch nội bộ giữa doanh nghiệp và chi nhánh trên báo cáo tài chính tổng hợp/hoặc giữa công ty mẹ và các công ty con, giữa các đơn vị thành viên trong cùng tập đoàn.


Nhiều doanh nghiệp dựa vào lý do không tập hợp được báo cáo tài chính của công ty liên kết vào thời điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất để hạch toán khoản đầu tư vào công ty liên kết theo phương pháp giá gốc, thay vì sử dụng phương pháp vốn chủ sở hữu, có thể dẫn tới ghi nhận khoản lỗ khi công ty liên kết có tình trạng kinh doanh bết bát, thua lỗ.


20 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN TỪ RSM VIỆT NAM

Bạn mong muốn nhận được tư vấn của đội ngũ chuyên gia RSM Việt Nam, vui lòng gửi câu hỏi tại đây

Gửi thông tin đăng ký thành công. RSM sẽ liên hệ tư vấn cho bạn!

bottom of page