top of page

Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) – Những điều cần chú ý

Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) được xem là giải pháp tránh rủi ro về giá chuyển nhượng cho nhiều doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Vậy doanh nghiệp cần chú ý những điều gì về thỏa thuận này? Câu trả lời sẽ được tìm thấy trong bài viết sau đây của RSM Việt Nam.


Nội dung chính:

1. Bản dự thảo APA gồm những nội dung gì?

2. Việc trao đổi, đàm phán APA được thực hiện như thế nào?

3. Thời điểm có hiệu lực của APA

4. Gia hạn APA như thế nào?

5. RSM Việt Nam có thể hỗ trợ gì cho doanh nghiệp về APA?


thoa-thuan-truoc-ve-phuong-phap-xac-dinh-gia-tinh-thue-APA

1. Bản dự thảo APA gồm những nội dung gì?


Theo điều 41 của Nghị định 126/2020/NĐ-CP, bản dự thảo APA cuối cùng gồm các nội dung sau:


a) Tên, địa chỉ của các bên liên kết tham gia trong APA;

b) Mô tả các giao dịch liên kết thuộc phạm vi APA;

c) Phương pháp so sánh xác định giá của giao dịch liên kết làm cơ sở tính thuế, cách thức xác định, tính toán các số liệu về mức giá, tỷ suất lợi nhuận làm cơ sở xác định trị giá tính thuế có liên quan đến giao dịch liên kết thuộc diện áp dụng APA (bao gồm cả khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn nếu phù hợp);

d) Các giả định quan trọng có thể gây ảnh hưởng trọng yếu, đáng kể, tác động đến quá trình thực hiện APA (bao gồm cả các nội dung phân tích, dự báo);

đ) Các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người nộp thuế;

e) Các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan thuế;

g) Quy định về hiệu lực áp dụng;

h) Các quy định khác phù hợp với các quy định pháp lý về việc thực hiện nghĩa vụ thuế có liên quan đến cam kết APA;

i) Các phụ lục (nếu có).


2. Việc trao đổi, đàm phán APA được thực hiện như thế nào?


Theo điều 8 Thông tư 45/2021/TT-BTC, trao đổi, đàm phán APA được quy định như sau:


- Tổng cục Thuế thực hiện trao đổi, đàm phán nội dung APA với người nộp thuế (trong trường họp đề nghị áp dụng APA đơn phương) hoặc với cơ quan thuế đối tác và người nộp thuế (trong trường hợp đề nghị áp dụng APA song phương, đa phương) qua các hình thức tổ chức họp, gặp mặt trực tiếp hoặc qua điện thoại, truyền hình trực tuyến hoặc bằng trao đổi văn bản qua thư tín về các nội dung liên quan đến đề nghị áp dụng APA của người nộp thuế.

Việc trao đổi, đàm phán nhằm thống nhất với người nộp thuế, cơ quan thuế đối tác về các nội dung dự kiến tại bản dự thảo APA cuối cùng theo quy định tại khoản 6 Điều 41 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Kết quả của từng lần trao đổi, đàm phán phải được các bên tham gia ghi nhận bằng văn bản.


- Trường hợp người nộp thuế đề nghị áp dụng APA song phương hoặc đa phương, người nộp thuế có trách nhiệm thông báo với bên liên kết thuộc phạm vi đề nghị áp dụng APA để đề nghị cơ quan thuế đối tác liên lạc và xúc tiến việc trao đổi, đàm phán với Tổng cục Thuế.

Trong quá trình trao đổi, đàm phán song phương, đa phương giữa các cơ quan thuế có liên quan, trường hợp cần thiết và được Tổng cục Thuế và cơ quan thuế đối tác chấp thuận, người nộp thuế có thể cử đại diện tham dự theo thư mời của cơ quan thuế để giải trình về các vấn đề liên quan.

Cơ quan thuế có thể thông báo các thông tin tóm tắt về tiến độ, kết quả đàm phán cho người nộp thuế; đồng thời có thể yêu cầu người nộp thuế giải trình các nội dung có liên quan.


3. Thời điểm có hiệu lực của APA


Theo khoản 16 điều 3 Luật Quản lý thuế, “thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế được xác lập trước khi người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế”.


Theo khoản 7 điều 41 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, đối với các APA song phương hoặc đa phương có liên quan đến quản lý thuế của cơ quan quản lý thuế nước ngoài, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.


Người nộp thuế áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế kê khai Báo cáo APA thường niên cho từng năm tính thuế trong giai đoạn hiệu lực của APA đã ký kết theo Mẫu số 04/APA-BC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này cùng các tài liệu thuyết minh và nộp kèm theo Hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.


Trường hợp trong quá trình thực hiện APA nếu có phát sinh các sự kiện gây ảnh hưởng trọng yếu đến việc tiếp tục thực hiện APA hoặc ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh và kê khai thuế của người nộp thuế, người nộp thuế có trách nhiệm báo cáo với cơ quan thuế trong thời hạn 30 ngày kể từ khi có sự kiện gây ảnh hưởng (được gọi là báo cáo đột xuất).


thoa-thuan-truoc-ve-phuong-phap-xac-dinh-gia-tinh-thue-APA
Người nộp thuế áp dụng kê khai Báo cáo APA thường niên cho từng năm tính thuế trong giai đoạn hiệu lực của APA

4. Gia hạn APA như thế nào?


Điều 41 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định việc gia hạn APA như sau:


a) Người nộp thuế có đề nghị gia hạn APA nộp hồ sơ gia hạn APA cho cơ quan thuế trước khi APA đã ký hết hạn ít nhất 06 tháng. Thủ tục giải quyết hồ sơ gia hạn APA được thực hiện tương tự như thủ tục giải quyết đề nghị áp dụng APA.


b) APA có thể được xem xét gia hạn trong trường hợp thỏa mãn đầy đủ các điều kiện sau: Phạm vi giao dịch liên kết và các bên liên kết không có thay đổi mang tính trọng yếu; các giả định quan trọng không có thay đổi mang tính trọng yếu; khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn hoặc tỷ suất lợi nhuận làm cơ sở phân tích so sánh có sự ổn định trong thời gian được gia hạn.


5. RSM Việt Nam có thể hỗ trợ gì cho doanh nghiệp về APA?


Quá trình thực hiện các thủ tục về thuế liên quan đến hồ sơ chuyển giá hoặc các giao dịch liên kết theo cơ chế APA sẽ phát sinh nhiều vấn đề gây khó hiểu cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần nhà tư vấn có hiểu biết chuyên sâu về thị trường cũng như kinh nghiệm dày dạn để hỗ trợ lập hồ sơ APA và đàm phán một cách thành công.


Các chuyên gia tại RSM Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Hãy liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi ngay hôm nay để được trợ giúp.


>>> Xem thêm Dịch vụ tư vấn giá chuyển nhượng


CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN:


7 cách xác định giá chuyển nhượng (chuyển giá)


Doanh nghiệp của bạn có nằm trong kế hoạch thanh tra chuyển giá trong thời gian tới?


Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết





15 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN TỪ RSM VIỆT NAM

Bạn mong muốn nhận được tư vấn của đội ngũ chuyên gia RSM Việt Nam, vui lòng gửi câu hỏi tại đây

Gửi thông tin đăng ký thành công. RSM sẽ liên hệ tư vấn cho bạn!

bottom of page