Bản tin về Thuế Đối Ứng - RSM Việt Nam
- RSM Việt Nam
- 8 thg 4
- 5 phút đọc
Rạng sáng ngày 03/04/2025, tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ với hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó hàng hóa từ Việt Nam bị áp thuế ở mức rất cao (46%), hãy cùng RSM tìm hiểu và đánh giá các tác động của sự kiện này.

Thuế đối ứng là gì và làm thế nào để đối phó với tác động của nó?
Thuế đối ứng (Reciprocal tariffs) là một loại thuế mà một quốc gia áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia khác để bù đắp các khoản trợ cấp mà chính phủ nước xuất khẩu đã cấp cho các doanh nghiệp trong nước của họ. Điều này giúp bảo vệ ngành sản xuất nội địa khỏi sự cạnh tranh không công bằng và duy trì sự công bằng trong thương mại quốc tế. Cụ thể, thuế đối ứng có các mục đích chính sau:
Ngăn chặn cạnh tranh không công bằng: Thuế đối ứng giúp ngăn ngừa việc hàng hóa nhập khẩu được trợ cấp, từ đó giúp duy trì giá trị thực của sản phẩm và bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.
Bảo vệ ngành sản xuất nội địa: Giảm thiểu rủi ro hàng hóa trợ cấp từ nước ngoài làm tổn thương đến sản xuất trong nước.
Đảm bảo sự cân bằng trong thương mại: Thuế đối ứng giúp tránh tình trạng bán phá giá gián tiếp và duy trì sự công bằng giữa các quốc gia trong thương mại quốc tế.
Trong trường hợp này, thuế đối ứng được tính dựa trên mức thuế cần thiết để cân bằng thâm hụt thương mại song phương giữa Mỹ và từng đối tác thương mại. Phép tính này giả định rằng tình trạng thâm hụt thương mại lâu nay là do sự kết hợp của các yếu tố thuế quan và phi thuế quan khiến thương mại không đạt đến trạng thái cân bằng. Mỹ đang tính toán mức thuế đối ứng sao cho có thể đưa thâm hụt thương mại song phương về 0.
Tuy nhiên, một số loại hàng hóa sẽ được loại trừ không phải chịu thuế đối ứng, chủ yếu bao gồm một số loại thép, nhôm, các sản phẩm phái sinh và ô tô cùng linh kiện đã thuộc diện chịu thuế theo Mục 232 ( tức Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại Hoa Kỳ năm 1962, theo đó cho phép Tổng thống Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp hạn chế thương mại nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xác định rằng hàng nhập khẩu đe dọa đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ), đồng, dược phẩm, chất bán dẫn, gỗ xẻ, một số khoáng sản quan trọng và các sản phẩm năng lượng.
Những tác động và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam
Việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam sẽ có một số tác động sâu rộng mà các doanh nghiệp và chính phủ cần chú ý:
Sụt giảm xuất khẩu: Việc áp thuế cao làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Mỹ, dẫn đến giảm đơn hàng và doanh thu. Điều này sẽ tạo áp lực lên các doanh nghiệp xuất khẩu.
Tác động đến chuỗi cung ứng: Các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, nhôm, thép, đồ điện tử có thể gặp khó khăn do bị áp thuế cao.
Rủi ro sụt giảm nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài: Với việc hàng xuất khẩu từ Việt Nam chịu mức thuế cao, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ có xu hướng chuyển dịch nhà máy sản xuất sang các nước chịu mức thuế đối ứng hơn (ví dụ Thái Lan, Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ..), từ đó sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 20% GDP của Việt Nam và chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu.
Doanh nghiệp cần làm gì và cần chuẩn bị gì trong bối cảnh hiện tại?
Phân tích ảnh hưởng: Doanh nghiệp cần đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của thuế đối ứng 46% đối với các sản phẩm của mình, đặc biệt là những mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Mỹ.
Tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế: Nâng cao khả năng chủ động trong việc cung ứng nguyên liệu, tìm kiếm các nguồn cung cấp mới có chi phí hợp lý hơn, giúp giảm bớt tác động từ thuế đối ứng.
Điều chỉnh giá sản phẩm: Doanh nghiệp có thể cần phải điều chỉnh giá sản phẩm để bù đắp phần nào thiệt hại từ thuế đối ứng.
Điều chỉnh chiến lược sản phẩm: Xem xét việc thay đổi cơ cấu sản phẩm hoặc tập trung vào các sản phẩm ít bị ảnh hưởng bởi thuế để giảm thiểu thiệt hại.
Tìm kiếm các thị trường thay thế: Việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ sẽ làm gia tăng rủi ro. Doanh nghiệp cần nhanh chóng mở rộng và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới (Châu Âu, Châu Á, hay các nước khác) để giảm thiểu tác động từ thuế đối ứng.
Cải tiến quy trình sản xuất: Tối ưu hóa chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất để giảm chi phí, giúp sản phẩm trở nên cạnh tranh hơn, kể cả khi thuế cao.
Đầu tư vào công nghệ: Áp dụng công nghệ mới và đổi mới quy trình sản xuất nhằm tăng hiệu quả và giảm chi phí.
Cải thiện minh bạch: Đảm bảo rằng mọi hoạt động sản xuất và xuất khẩu đều tuân thủ đầy đủ các quy định về thuế và xuất khẩu. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro liên quan đến tranh chấp thuế và đảm bảo uy tín trong mắt các đối tác quốc tế.
Tìm hiểu và xin áp dụng các cơ chế giảm thuế nhâp khẩu khả thi theo quy định của Hoa Kỳ, ví dụ cơ chế First Sale for Export (FSFE) nhằm làm giảm thiểu tác động của thuế đố ứng.
RSM sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật các thông tin mới liên quan đến vấn đề này, cũng như đánh giá và phân tích các ảnh hưởng tiềm tàng đến các khía cạnh của doanh nghiệp.
Tải file pdf tại đây!
Comments